Niềm tin “chết người” và cái “mác” quốc tế
Trong trường hợp cực kỳ nghiêm trọng này, niềm tin của người dân đã phải đổi lại bằng mạng sống của em bé mới chỉ đến trường ngày thứ 2 trong đời.
Học sinh có thực sự bị bỏ quên trên xe?
Đã rất nhiều người nói về những ngôi trường International ở Việt Nam chỉ thu tiền với giá quốc tế còn chất lượng giáo dục vẫn là nội địa. Nhưng, giá như câu chuyện chỉ dừng lại ở chất lượng giáo dục!
Chỉ đến khi thứ niềm tin “chết người” đặt nhầm chỗ vào cái mác “ngoại” này được đáp lại đột ngột bằng một hậu quả trầm trọng là sự mất đi mạng sống của một em học sinh lớp 1 mới vừa đến trường ngày thứ 2 trong đời, đâu ngờ cũng là ngày cuối cùng bố mẹ em còn nghe tiếng con, chỉ đến khi ấy các bậc phụ huynh mới thật sự bừng tỉnh!
Gateway thu hơn 100 triệu đồng/1 năm học phí, nhưng khi vụ việc xảy ra, đã lộ rõ nhiều điểm bất hợp lý, loanh quanh, dối trá trong tường trình sự việc.
Công chúng phẫn nộ vì không thể tưởng tượng nổi một bác tài xế không nhìn, không kiểm cứ thế sập cửa bỏ đi, một cô bảo mẫu không điểm danh học sinh, vì còn bận chăm bạn khác rồi quên luôn, cô còn chưa có hợp đồng lao động và cũng mới đi làm ngày thứ hai tại trường; một cô chủ nhiệm biết học sinh vắng nhưng không báo cáo hoặc liên lạc với phụ huynh? Hoặc cô đã báo cáo lên hệ thống nhưng người phụ trách mạng thông tin nội bộ ngày hôm đó lại nghỉ phép mà cô không biết? Những việc nhỏ nhặt nhất mà người lớn có trách nhiệm ở những ngôi trường bình thường khác hoàn toàn làm được và nhất định phải làm để đảm bảo an toàn cho học sinh, vì sao lại bị bỏ sót cả loạt ở đây?
Có thể nói, ở ca học sinh tử vong bất thường tại trường Gateway, đã hội tụ đủ mọi yếu tố “thật tình cờ” và “thật bất ngờ”. Phụ huynh có nên gửi con vào những ngôi trường mà ngày nào cũng đầy rẫy bất ngờ chết người như thế?
Đồng phục của trường Gateway là áo thun màu đỏ |
Và sự thực là bé Long có bị bỏ quên trên chiếc xe oan nghiệt kia? Hay còn có một sự thực nào khác mà cơ quan cảnh sát điều tra còn chưa công bố?
Ai là người đã thay chiếc áo trắng trong ba lô của bé Long cho em nếu thực sự em bị bỏ quên trên xe bus suốt 8-9 tiếng liền? Chiếc áo trắng này liên quan gì đến cái chết tang thương của bé Long khi bố mẹ em đều xác nhận đã mặc cho Long áo đồng phục màu đỏ của trường lúc buổi sáng? Trích xuất video từ camera bảo vệ ghi lại cảnh người đàn ông bế bé Long chạy từ chiếc xe bus vào phòng cấp cứu trong trường, trước thời điểm đưa em đến bệnh viện, đều thể hiện bé Long mặc áo trắng?
Cho dù nguyên nhân gì đã dẫn đến cái chết tức tưởi của bé Long, thì chiếc xe tang đầy vòng hoa trắng và nỗi đau tột cùng của người làm cha mẹ đột ngột mất con sẽ trở thành một vết thương chung trong tâm hồn cộng đồng, khó có thể lên sẹo.
Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy bé Long mặc áo trắng lúc được đưa vào phòng cấp cứu của nhà trường (Ảnh cắt từ video) |
Trường học không phải doanh nghiệp
Theo lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục, Gateway cũng như nhiều trường khác chỉ tự gắn mác quốc tế để thu hút học sinh. Điều này khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, rằng nhà trường thích thế và tự động làm thế. Hãy xem xét thêm cả trách nhiệm của cơ quan quản lý trên địa bàn?
Có phải đơn thuần chỉ là các ông chủ bà chủ giỏi giang và có thế mạnh tài chính tham gia vào “kinh doanh” giáo dục? Còn ai khác không đã đứng đằng sau hội đồng các nhà đầu tư để thành lập ra những ngôi trường đầy tính quảng bá, kinh doanh này? Thử điểm lại xem tại các thành phố lớn của chúng ta đang có bao nhiêu trường quốc tế “tự phong” như vậy?
Xin lưu ý, trường học không phải là doanh nghiệp. Cần phải lường trước mức độ nguy cơ sẽ phải đối mặt, nếu cơ quan quản lý cho phép “nở rộ” một cách tự do những ngôi trường cứ có đầu tư thì làm.
Mới đây, trường đã công bố bản thiết kế dự án Gateway Hồ Tây |
Đối với các bậc phụ huynh, giả sử đúng là bé Long đã bị bỏ quên trên xe và tử vong trong thời gian đó, thì phụ huynh còn có thể nghĩ đến việc dạy con mình học các kỹ năng thoát hiểm. Nhưng nếu sự thật không phải như thế, thì bài học đau xót đầu tiên mà cả phụ huynh lẫn học sinh đều buộc phải học từ trường Gateway chính là sự dối trá, lừa lọc ngay trong chính môi trường “trồng người”.
Không chỉ là những giọt nước mắt rơi xuống ở đám tang bé Long, hệ lụy từ sự đổi trắng thay đen trả giá bằng tính mạng sẽ còn đánh những đòn đau hơn vào con tim cộng đồng Việt.
Nhắc tới trách nhiệm của cơ quan quản lý, cũng nên nhắc trách nhiệm của các bậc phụ huynh; xin hãy coi đây là bài học lớn, là dịp tự chữa cho mình căn bệnh “sính ngoại”. Hãy thẩm định thật kỹ về ngôi trường mà phụ huynh dự định gửi con. Đừng vội tin vào cái “mác quốc tế” mà chỉ nhìn bề ngoài hoành tráng, lộng lẫy. Bởi hậu quả có thể sẽ khốc liệt, còn sự hối hận thì bao giờ cũng quá muộn màng !
Hoà Bình - Bài đã đăng VietTimes
Xem thêm