Bộ mặt bên trong bộ mặt - Truyện ngắn của Hoà Bình 

Tác giả Hoà Bình - Foto: Hoàng Triều

Tác giả Hoà Bình - Foto: Hoàng Triều 

 

Lần này, bỗng nhiên Tea Xanh quyết định rằng mình phải làm một điều gì đó khác hẳn với thói quen bình thường. Kỳ nghỉ Tết năm nay kéo khá dài, và thay vì book vé máy bay, đặt lộ trình đi ra nước ngoài khám phá địa chỉ mới, hoặc tìm về thư giãn ở một vùng biển ấm áp nào đó, Tea Xanh lẳng lặng gập áo ấm, bỏ vào ba lô vài chiếc áo len dầy. Nghe nói Sa Pa có tuyết, và cái thông tin thời tiết phát lạnh nhạt trên truyền hình đột nhiên giáng thẳng vào đầu Tea Xanh như một tiếng sét. Cô bị chông chênh, chóng mặt, kéo dài và liên tục, kiểu như lúc máy bay rơi vào vùng thời tiết xấu, cảm giác hụt hẫng hành hạ cô khổ sở.  

Buổi chiều làm việc cuối cùng, Tea Xanh ngồi lại công ty rất muộn, khi tất cả đã về hết, các phòng ban xung quanh tắt điện tối thui. Phòng cô nổi bật lên, sáng rực như một ốc đảo cô đơn trôi nổi giữa đêm bịt bùng. Tự pha cho mình một ly cà phê, không bỏ đường, cô ngồi nhấm nháp vị đắng đót ngọt ngào chảy vào cuống họng, nhìn qua cửa kính lầu 20 ngắm thành phố lộng lẫy sáng đèn, cắt ngang giữa thành phố là một con sông dài uốn lượn, ánh đèn đường, đèn xe rực rỡ trôi như những dòng sông, cố nắm bắt lại cái vẻ đẹp mà Xanh nhớ là có lúc nào đó cô từng cảm nhận, từng thích thú. Cô có mặt ở công ty này, phòng làm việc này bao lâu rồi? Không nhớ nổi.

Sau cùng, Tea Xanh cũng vượt qua hai giờ đồng hồ trễ chuyến, qua chặng bay mệt mỏi ra Hà Nội, không nghỉ lại, Xanh lững thững bắt taxi tới ga Hàng Cỏ, mua phắt chiếc vé chuyến sớm nhất lên miền núi, bất cần biết tới nơi có còn tuyết hay không. Chuyến tàu đêm dập dình, dai dẳng như không bao giờ kết thúc, tiếng bánh răng nghiến vào đường ray ken két đều đặn, nghe cô quạnh phát ớn, thỉnh thoảng cộng thêm tiếng gió vun vút quật ù ù vào cửa kính, tất cả các phòng kéo dài trên con tàu uốn lượn trập trùng giữa đêm khuya đều tắt đèn tối thui, thiên hạ co quắp trong tấm chăn mỏng trên những chiếc giường lạnh lẽo, thế mà Tea Xanh không thể nào ngủ nổi. Nằm thu lu rồi lại duỗi dài trong bóng tối, hai mí mắt cô nặng trĩu nhưng cứ căng lên, mở lớn, thâu nhận, và chờ đợi.

Bỏ qua tất cả những ấn tượng cơ bản nhất về mọi thứ, như giờ giấc hay quy định của khách sạn, Tea Xanh nhét đại cái name card khách sạn vào túi áo khoác, bước ra phố, không nhớ nổi tên khách sạn, màu của sơn tường, hay nét mặt của người phục vụ ở quầy lễ tân. Thế nhưng chỉ sau dăm phút đi bộ, đột ngột, cô  ngỡ ngàng quay lại, rút cái name card, đọc tên và số của khách sạn, quay gót trở về. Chốt cửa phòng, cô nằm thượt ra rũ rượi trên gối, chăn, hết nhắm rồi lại mở mắt, nằm sấp rồi nằm ngửa. Tất cả đều vô hiệu. Không có cách gì thoát khỏi cô đơn.

Thật ra, trên đời này, ai mà chẳng cô đơn, trốn chạy làm gì. Hắn từng nói với Xanh điều đó, khi Tea Xanh mới hai mươi hai tuổi, hầu như không hiểu được những gì hắn nói. Bốn mươi tuổi, đẹp trai vừa đủ, lịch lãm vừa đủ, bặm trợn cũng vừa đủ, ai cũng biết hắn đã ngủ với cả tá con gái trong công ty. Dường như cứ có nhân viên mới vào là hắn phải quơ quào cho bằng được, cho dù chỉ một lần. Các cô gái tố cáo hắn, nhưng không thể tẩy chay hắn. Vì hắn thẳng thắn, lạnh lùng, và rạch ròi. Bao giờ hắn cũng hỏi trước, và hỏi độp luôn rằng em có muốn ngủ với anh không? Bất luận đối tượng già hay non, mới hay cũ, phản ứng tích cực hay tiêu cực, hắn vẫn sẽ ngủ bằng được với từng người, tuỳ theo từng dịp, ngày thường hay cuối tuần, ngày lễ hay dịp công ty kéo nhau đi dã ngoại, team building. Ngủ là ngủ, công việc là công việc. Tối hôm trước ngủ với nhau trong chuyến picnic thơ mộng nhưng ngày hôm sau bị sạc ở công ty là chuyện thường. Nhiều cô gái phải khóc hết nước mắt.

Tea Xanh không thể chối từ những buổi tối ngồi cạnh hắn trong yên lặng, cô không thể tắt máy tính ra về, khi cả văn phòng đã về hết, các phòng xung quanh đã tối đèn, châm một bình cà phê đen không đường, ngồi uống vị đắng thuần tuý của cà phê thật, nghe hắn kể chuyện những sóng gió phiêu dạt đời hắn. Thích thì nói chứ hắn cũng chẳng để ý Xanh có nghe không, hay cô ngồi ngắm thành phố. Hắn bảo, các cô chỉ có tí tẹo áp lực trong công việc, sao cứ khóc hoài vậy, đời sinh ra đâu phải chỉ để khóc, mà khóc có giải quyết được gì đâu, hồi đi buôn lậu xuyên biên giới ở châu Âu, bạn bè hắn bắn giết lẫn nhau như ngoé, cướp hàng, tranh mối, đổ máu thì nhiều, phản bội cũng nhiều, mà lụy  tình cũng lắm, chẳng ai rớt một giọt nước mắt nào. Có người bạn hắn, biết rõ vợ ngủ với cả tá giai lạ mỗi lần chồng đi buôn xa, nhưng vẫn thương, vẫn bảo đàn bà là giống yếu đuối. Còn hắn, có  lần về nhà giữa đêm, thấy vợ đang trên giường với một người em, trẻ hơn hắn khoảng chục tuổi, hắn lạnh lùng rút súng yêu cầu cả hai đúng một tuần sau phải làm giá thú, nếu không, hắn sẽ bắn chết. Cặp đôi đó giờ vẫn đang chung sống với nhau. Hắn thì không lấy vợ lần nào nữa.  Hắn nói, hai sự cô đơn cộng lại, sẽ cô đơn gấp bốn.

Căn hộ cô đơn của hắn, có lần gửi chìa khoá nhờ Tea Xanh đến chăm sóc giúp một tháng khi hắn đi công tác nước ngoài. Hắn nuôi một con chó nhật, không thể để nó chết đói, nhiệm vụ của Tea Xanh là cho nó ăn và tắm cho nó. Mua đồ ăn cho con chó thì không khó, Xanh đã nhiều lần thấy hắn mua những món tương tự nhưng Xanh rất sợ tắm cho con vật, dường như nó không thích nước, hoặc có đúng thế không Xanh cũng không biết, nhưng nó cứ rùng mình liên tục, trốn vào chân Xanh, cọ nguyên cả bộ lông dầy tung toé bọt xà bông vào người cô, và nhất là lúc đã tắm xong, nó cứ rũ lông thật mạnh, làm nước bắn tung toé, khiến Xanh rùng mình.

Tea Xanh không biết tên loài chó, cũng không yêu được loài động vật này, cho dù hắn thường xuyên kể về con vật.  Hắn nói con chó rất thông minh, có cùng sở thích với hắn cả trong ẩm thực lẫn giải trí. Đi đâu ăn gì, hắn cũng nhớ mua một phần cho con chó. Buổi tối, hắn nằm dài trên sô pha xem phim, hoặc nghe nhạc, thì con chó cũng chầu chực bên cạnh, thỉnh thoảng lại âu yếm liếm láp gót chân hắn. Nhiều hôm hắn ngủ luôn trên sô pha, có khi cả tuần chẳng vào phòng ngủ. Vì thế, phòng ngủ của hắn còn nguyên chăn đệm phẳng phiu, mỗi tuần cô giúp việc tới dọn dẹp, giặt giũ, thay ga một lần, cũng ngẩn người vì chiếc gối cô đặt lên giường tuần trước tới tuần sau vẫn nguyên chỗ cũ, không xê xích một ly, chỉ có thêm chút bụi mờ viền quanh lớp vải gối vẫn còn thơm mùi nước giặt.

Tea Xanh thích khám phá giá sách chiếm hết nguyên một mảng tường lớn của hắn, cô tìm thấy ở đó hầu hết mọi cuốn mà hắn từng nhắc tới, có một góc là những cuốn sách cũ, ố vàng, mua và giấu giếm giữ từ hai chục năm trước, không thể nào tìm thấy lại ngoài hiệu sách. Thực sự thì cô không thể hiểu được tại sao thế hệ của hắn có thể đọc được và gìn giữ những cuốn như Quo Vadi, Đêm thiêng, thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, nghiên cứu cả Nhâm độn đại toàn, rồi đồng thời lại tôn thờ được Từ tốt đến vĩ đại, sách mới, sách kinh tế, sách triết học, đủ mọi trường phái. Tea Xanh học từ hắn cách đọc nhanh, cô ngồi bệt ngay cạnh giá sách, chọn một đĩa nhạc, mỗi buổi tối đọc xong một cuốn, không dám mượn về vì hắn vẫn thường bảo sách là tài sản. Và trong những buổi tối đó, cô bàng hoàng phát hiện ra Lolita, Bảo tàng thơ ngây, thảng thốt với Haruki Murakami với những mối tình quái dị, và bình tĩnh lại khi tập trung đọc một cách có ý thức Hành trình về phương Đông.  

Tủ đĩa phim và đĩa nhạc của hắn cũng chồng chất các thể loại, nhưng Tea Xanh không hiểu lắm, cô chỉ nghe được những thứ nhẹ nhàng. Buổi tối cuối cùng trước khi hắn trở về và nhận lại căn nhà, Xanh chọn Rachmaninov Piano concerto No 2 in C minor, op.18. Cho dù không hiểu hết về những gì người nhạc sĩ đã viết ra, nhưng thật khó từ chối cá tính, sự độc đáo, tính trữ tình, lãng mạn và những biểu cảm mạnh mẽ không biên giới. Và hôm đó cô chọn cho mình hai cuốn sách đặc biệt, những cuốn này cô đã thấy từ lần đầu tiên đặt chân tới nhà hắn, được trang trọng để ngay đầu giá sách – Every day Enlightenment được viết từ tinh thần của đức pháp vương Gyalwang Drukpa, và Nghệ thuật sinh tử do chính Đức pháp vương viết, được đức nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa tặng cho hắn với lời đề tựa “With my prayer”.

Cuộc đời kỳ diệu của cả hai đấng hoá thân này, Xanh đã nghe hắn nhắc tới một lần. Đó là một trong những kỷ niệm đặc biệt nhất của hắn, khi được hạnh ngộ với các ngài. Đức pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII Jigme Pema Wangchen được tôn sùng, truyền tụng là hiện thân của Đức Phật quan âm, với năng lực tâm linh siêu việt thể hiện rực rỡ ngay từ khi còn rất nhỏ. Ngài sinh ra trong một gia đình hành giả kim cương thừa có dòng dõi tôn quý, hành thiện khắp thế giới. Còn đức nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa cũng là hoá thân đời thứ 9 đang tại thế của bậc giác ngộ Khamtrul Rinpoche.

Hắn từng nói với Xanh, an lạc được hay không, là tại tâm của mỗi người. Xanh bàng hoàng chạm phải từng dòng như điện giật, ngay từ lời đề tựa của cuốn sách: “Tôi cho rằng, nhờ nhân duyên nên chúng ta “hội ngộ” qua những trang sách này…” Thốt nhiên, giữa những khúc piano xoáy đảo, cuồn cuộn, mạnh mẽ, màu sắc âm thanh phong phú, đặc thù của lối thể hiện biểu cảm rất riêng của Rachmaninov, những dòng sông chữ không lên sóng, không thác lũ, mà Xanh vẫn lờ mờ cảm nhận về những nghiệp lực đã khiến chúng sinh bị xoay vần, trôi lăn không ngừng trong các bardo từ vô thuỷ kiếp không lối thoát mà Đức pháp vương Gyalwang Drukpa đã chỉ ra.

Cô gần như bật khóc khi ở đoạn cuối của op.18, từ phút thứ 7 tới phút thứ 10, những ngón piano trở lại dịu dàng, tinh tế y như một vết dao sắc lặng lẽ cắt ngọt vào ngón tay tứa máu mà chỉ có thể cảm nhận nỗi đau sau khi nó đã thực sự qua đi. Tình cờ, cô biết pianist kiệt xuất, nhà soạn nhạc, chỉ huy thiên tài Rachmaninov sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với hắn, cách nhau chẵn một thế kỷ. Và cô còn biết, ông rất cô đơn trong mối tình bí ẩn với nữ nhà văn xinh đẹp Marietta Shaginyan. Chọn thêm Piano Concerto No 3 Op. 30 in D Minor, rồi Piano Concerto No 4 Op. 40 in  G MinorXanh đã ngồi cả buổi tối với Rachmaninov.

 

Tác giả Hoà Bình - Foto: Lý Minh Phú

Tác giả Hoà Bình - Foto: Lý Minh Phú 

 

Đột nhiên, cô cảm thấy một luồng hơi ấm lan toả tới từng thớ thịt trên thân thể, cảm nhận được một vòng ôm ghì siết vô cùng mạnh mẽ, cực kỳ thân thuộc. Cô khẽ dựa đầu vào vai hắn, đón nhận hơi ấm từ vồng ngực đàn ông vững chãi. Những ngọn tóc của Xanh quét lên má hắn, cọ vào đám râu cằm lởm chởm, và khi rũ trở lại, mang theo mùi đàn ông quyến rũ, nồng nồng bụi đường.

  • Hôm nay, sẽ không thích hợp với cà phê – Hắn nói
  • Một cách từ bỏ thói quen? – Xanh hỏi
  • Chỉ là những gì phù hợp sẽ tồn tại, anh thì đơn giản một vài ly vodka, có thể đồng hành với Rachmaninov của em – Hắn cười – Còn một điểm chung thú vị là anh có thể phục vụ em món cocktail nhiệt đới với vodka.

Hắn mở tủ lạnh, xắt một miếng dứa, nửa trái cam, một trái ổi đào, lấy ly nhỏ đong đếm cẩn thận phần vodka, và cầm chiếc lắc, xoay một cách điệu nghệ. Ly cocktail không tồi, mặc dù Xanh chỉ có thể cảm nhận hương vị nhiệt đới của nó một cách nghiệp dư, cô không phải người hay lui tới các quán bar, không sành về rượu. Nhưng trong âm nhạc của Rachmaninov, chắc chẳng có gì tuyệt vời hơn vị rượu Nga dự phần dẫn dụ những sắc màu nhiệt đới khiến một cô gái xứ nóng phải trở nên thổn thức.

Đến đúng hai mươi tư giờ, Xanh đứng dậy tắt Rachmaninov, xếp gọn gàng các cuốn sách lên giá, tạm biệt con chó nhật, tắt đèn, khoá cửa, đứng thêm 5 phút nghe tiếng cào móng rất cô đơn của con chó, rồi nhấn thang máy xuống tầng hầm lấy xe đi về. Trên con đường thênh thang vắng lặng lúc nửa đêm, cô cắm tai nghe vào điện thoại, mở thêm Rhapsody on a Theme of Paganini, Op. 43 mà cô đã down về điện thoại. Nghe vang lên đớn đau từ trong sâu thẳm, sự cô đơn lên tiếng cùng những cá tính khác biệt.

“Tất cả vô minh và giác ngộ đều bắt nguồn từ trong tâm” - Xanh chưa khi nào quên được từng dòng từng chữ của Đức pháp vương Gyalwang Drukpa – “Đem hoà nhập từ bi và trí tuệ vào đời sống thường nhật chính là đem lại lợi ích cho vô lượng khổ não hữu tình”.

Tea Xanh chợt nhận ra, cô đang ngồi bên bờ suối ngập màu xanh lá cải. Mùa này Sa Pa lạnh quá, không có bông hoa cải nào. May mà cải là loài cây xứ lạnh nên vẫn run rẩy len lỏi lớn những mầm non mới nhú sống sót sau đợt tuyết rơi. Màu lá dập dờn như sóng cuộn. Nhưng trong mắt cô tất cả vẫn vàng rực lên màu của mùa hoa cải năm đó, xung quanh cô vẫn rộn rã tiếng nói, những câu chuyện chen lấn của mấy trăm đồng nghiệp đốt lửa trại trong chuyến team-building tràn đầy tiếng cười. Năm đó, trốn mấy anh chàng trai trẻ đuổi theo sát gót, Xanh len qua con đường nhỏ, đi theo vạt hoa cải vàng, ra ngồi bên bờ suối vắng, ngâm mình trong đêm lộng lẫy ánh trăng rằm đặc sệt, trắng bóc như da con gái. Và, thốt nhiên, cô cảm nhận được một vòng ôm ấp áp vô chừng từ đôi tay đàn ông mạnh mẽ, cảm nhận bộ ngực đàn ông vững chãi của hắn. Cô lặng im ngồi dưới trăng, để đám tóc mềm tung bay theo gió, quẹt lên bộ râu cằm lởm chởm, và khi rũ trở lại, mang theo mùi đàn ông quyến rũ, nồng nồng bụi đường.

Thốt nhiên, Tea Xanh nhận ra ánh trăng của hiện tại lạnh đến cùng cực. “Walking the path to happiness in the morden world”, lòng cô chợt dịu lại vì từng dòng của Đức pháp vương Gyalwang Drukpa. Trên tay cô, còn lại chút hơi ấm toả ra từ con búp bê nga matrioska, quà tặng hắn đặt lên bàn cô sáng hôm hắn trở về sau chuyến công tác nước ngoài, với lời cảm ơn, và nhận lại chìa khoá nhà. Lạnh run nhưng Tea Xanh thấy cần phải cố gắng xoay những vòng gien gỗ, sự cố gắng trong tiết trời quá lạnh làm đau cô và cô cũng làm đau nó, nhưng tâm hồn con matrioska cần nỗi đau mở cửa từ tay cô, còn cô cần mở khoá cho những nỗi đau khác. Mỗi lần mở matrioska, Tea Xanh lại nhớ lời hắn từng nói.

  • Có bao nhiêu matrioska trong một bộ búp bê chuẩn?
  • Chẳng có quy luật nào là đúng nhất. Em tự khám phá đi, trong một gương mặt có một gương mặt khác, dưới một sự thật có một sự thật khác. Cuộc sống là vô cùng.

Giờ này, hắn phiêu bạt nơi đâu?

 

SG Feb, 2016

(Trích từ tập “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”, NXB Phụ Nữ và Phương Nam Book ấn hành, 2017)

 


(*) Xem thêm