Cocktail, Café, Kem & Mặt trời
Cocktail, Café, Kem & Mặt trời - Truyện ngắn của Hoà Bình
“Chỉ khi nào người tu thiền ý thức rõ rệt rằng Đức Phật ngự trị ở bên trong thì họ mới có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa của câu thần chú linh thiêng Om Mani Padme Hum. Chỉ khi lòng từ bi hoàn toàn khai mở như bông sen, vươn cao lên khỏi vũng bùn và bắt đầu khai hoa, thì hương thơm của trí tuệ mới bắt đầu tỏa ra khắp nơi và hành động của Thân, Khẩu và Ý mới thật sự phản ảnh trọn vẹn đúng cái ý nghĩa cao đẹp nhất của sự Sống…” - Anagarika Govinda, dịch giả Nguyên Phong.
Tác giả Hoà Bình ở Seoul
Thằng Café có thói quen nằm ngủ cứ phải úp mặt xuống gối. Đen nhìn con, lần nào cũng sợ đến nghẹt thở. Khẽ khàng bò lại gần thằng bé, Đen cố gắng thử lật nó lại, đặt theo tư thế nằm ngửa. Nhưng, hễ vừa lật được nó lại, thằng bé lại thở thật dài một hơi, rồi khó chịu, nhăn nhó, vặn vẹo tự lật mình úp trở lại.
Đen ngồi bó gối, thở dài. Hồi đầu thì Đen sợ đến mức cứ ngồi chồm hỗm nhìn con cả đêm. Thỉnh thoảng, cô lại len lén cúi xuống thật gần bên má thằng bé, nín thở để lắng nghe những nhịp phập phồng của nó. Rồi thật nhẹ nhàng, hít hà cái mùi da thịt trẻ con thơm thơm, ngầy ngậy. Sau này, Đen đọc nhiều tài liệu bác sĩ nói khi trẻ con ngủ tốt nhất là cứ để chúng nằm tự nhiên, trẻ con tự lựa được thế ngủ phù hợp nhất, nên thích ngửa hay nghiêng hoặc úp cũng đều được, không sợ ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Biết thế, nhưng cứ nhìn thằng bé nằm úp mặt xuống gối, tim Đen vẫn như bị ai bóp nghẹt lại, từng nhịp cứ giật lên nhức nhối.
- Mẹ ơi! Con thích Cocktail Mặt trời.
- Con tả kỹ hơn được không? Mẹ sẽ cố gắng thử xem.
- Mẹ làm giỏi mà.
- Ôi! Nhưng món này lạ quá, mẹ chưa được học.
- Mẹ biết mà. Mẹ biết mà…
Đen chưng hửng. Chẳng biết phải cư xử thế nào với thằng bé. Thế là nó dỗi, quay mặt vào cái tủ sách, cả buổi tối nhất định không chịu quay ra nói chuyện với Đen. Dỗ thế nào cũng không chịu. Đồ chơi không thích, nhạc không nghe, kể chuyện bằng sách hình cũng từ chối. Đến cả ly sữa cũng nhất định không đụng vào một giọt. Và ngay cả trò chơi yêu thích là tự đánh răng trước khi đi ngủ cũng không thèm tham gia. Ngủ rồi mà trên má thằng bé vẫn còn hoen hai ngấn nước mắt. Đen thì ngồi bó gối, hai vầng nước mắt ầng ậng cứ ngập đầy dưới mí.
Đen đã đặt tên thằng bé là Café bởi vì cô nghiện café mà bắt đầu kể từ ngày biết tin mình có bầu là cô phải nhịn café. Mặc dù sau lúc thử thai, thấy cái tín hiệu màu hồng trên que thử nhảy lên vạch thứ hai, Đen mừng muốn xỉu. Tim cô cứ đập rộn lên như đang nhảy nhót nhưng kể từ lúc đó, cô biết mình sẽ phải nhịn café. Các bác sĩ và tài liệu, sách vở đều nói rằng café không tốt cho em bé và cho cả người mẹ lúc mang bầu. Suốt trong những tháng ngày mang thai và cả sau khi sinh, lúc đang còn cho con bú, Đen đã không được phép uống café. Mẹ uống thì tức là con cũng uống. Suốt trong một năm rưỡi liền, Đen đã buộc phải nhịn hẳn. Nhiều lúc, cô bứt rứt gần như phát điên. Thế nên, ngày cho thằng bé thôi bú, Đen lập tức ra quán, kêu liền ba ly café trong một buổi sáng. Uống xong đứng dậy đi, hai chân cứ liêu xiêu như bị say. Nhưng Đen không say café bao giờ. Đen từng chăm sóc người bị say café nên biết. Hơn nữa, để đề phòng trường hợp có thể say do đã nhịn café quá lâu, sáng hôm đó Đen ăn một tô phở bò thật to để dằn bụng trước.
Cứ tưởng không uống lâu thì sẽ quên dần và thôi không thèm vị café nữa nhưng hóa ra điều đó là không thể. Cả ngày Đen uống café. Sáng café, trưa café, chiều lại café. Đi vào quán, không phải chỉ là những buổi hẹn với khách hay gặp gỡ bạn bè, bất kể là đi đông người hay lúc một mình, Đen chỉ gọi café. Nhiều lần bệnh hẳn rồi, sốt chóng mặt, đi không vững, thế mà vào quán, gọi ly cam vắt xong, người phục vụ mang ra, chỉ uống hai ba hớp, thấy rùng mình, lợm giọng, Đen lại kêu thêm một ly café. Uống nước cam kèm với café. Uống sinh tố kèm với café. Uống rượu mà có thêm ly café, Đen cũng thấy thích hơn.
Các thành phố và vùng quê mà Đen từng đi qua, nơi nào Đen cũng tìm hiểu văn hóa café của họ. Uống thử ở những quán đông khách nhất, hỏi những địa chỉ café độc đáo nhất, cảm nhận và phân biệt vị café của từng vùng khác nhau. Người Hà Nội thích café đậm đặc nhất nhưng café Hà Nội hay có mùi khen khét. Đi uống café ở Hà Nội phải chọn chỗ uống, không phải quán nào cũng ngon như quán nào. Café Nha Trang, đậm nhưng không quá gắt, mà lại rất đặc biệt bởi mùi của núi hòa trộn thêm hương vị của biển với một chút muối mằn mặn trong ly café. Uống café trên cao nguyên Buôn Mê Thuột là ngon nhất thế giới. Thích nhất là sáng sớm, khi sương núi còn tràn lan trên từng góc phố, mái nhà; trong cái lạnh tê tê, ngồi thu lu trong một quán nhỏ trên một con phố chênh vênh sườn đồi chao nghiêng tỏa đầy mùi café, hai cánh mũi Đen phập phồng đến nghẹn nhịp. Và cho dù là café vỉa hè, giá cực kỳ rẻ, nhưng vị của nó đậm đặc, quyến rũ đến không thể nào quên được và không trộn lẫn vào bất cứ nơi nào. Café Sài Gòn ngon một cách phổ thông, nhưng sau khi ghiền, mới đau khổ phát hiện ra người Sài Gòn trộn quá nhiều tạp chất và hương liệu café vào ly chứ không phải café thuần. Thế mà vẫn không bỏ được thói quen uống café ở mọi nơi, không thể chọn chỗ được.
Đen thích nhất là tự mình pha café, tự mình quyết định việc sẽ pha một phin đầy đến mức nào, bao nhiêu sữa hoặc đường, hoặc không đường không sữa; thậm chí được tự mình lựa chọn café hạt, rồi chờ tại chỗ để người bán hàng rang, xay thành café bột trước mắt mình. Ở Sài Gòn thì có một số điểm café như thế, còn sau khi rời khỏi Sài Gòn, Đen phải nhờ mọi người gửi cho, mỗi lần vài ký lô uống dần.
Buổi sáng chủ nhật có thời gian rảnh, Đen dẫn thằng Café ra Secret Garden bên sông, hai mẹ con ngồi nhẩn nha kêu đồ uống, mẹ đọc sách, con nghe nhạc. Café ở đây, cũng như ở bất cứ nước nào khác ngoài Việt Nam, không thể nào đậm đặc. Vì thế, Đen chỉ gọi Capuchino.
Thằng Café bật laptop, cắm cái tai nghe vào, ngồi yên lặng một chỗ, nghe nhạc của Tchaikovski, Beethoven, Bach, Mozart… Nghe chán lại mở nhạc kịch, nó thích The Cat, The Phantom of the Opera… Mấy vở này, bố Café download về lưu trong máy cho nó. Khó có thể tưởng tượng một thằng bé năm tuổi ngồi yên một chỗ và nghe nhạc cổ điển. Thỉnh thoảng, Đen cũng download thêm các loại nhạc khác cho nó nhưng Café chỉ đồng ý nghe thêm nhạc Thiền. Một vài ca khúc lãng mạn cũng hấp dẫn được nó nhưng nó chỉ nghe thử, ít khi quay trở lại nghe thêm lần nữa.
Đen đọc sách, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi một message mới nổi lên trên màn hình I-phone. Đen rời cuốn sách, liếc vào màn hình, rồi lập tức vồ ngay lấy chiếc điện thoại. “Tết năm nay có về không?” - Tin nhắn của Lô Giang, cô bạn gái mà Đen khi nào cũng ngưỡng mộ. “Về nhá! – Đen vội trả lời – Về nghe Giang hát thôi. Nhớ lắm rồi”.
Lô Giang là cô ca sĩ nhan sắc thì bình thường nhưng giọng hát thì liêu trai, quyến rũ đến không thể cưỡng lại được. Nghe Giang hát, cứ như có cả chùm gai đang xiên thật chậm, thật ngọt ngào vào tim. Chùm gai cứ nhay nhứt, cào xé, chọc ngoáy những múi cơ trơ lỳ vô cảm. Để rồi từ nơi nào sâu thẳm, những cơn sóng của xúc cảm nhè nhẹ liếm láp vỗ bờ ì oạp, liếm vào những vết thương mặn chát. Nỗi đau trở thành cơn nghiện, trở thành độ phê, nhấc người ta lâng lâng không chạm đất được nữa. Có lần, ngồi giữa khán phòng chật cứng người xem, mà nước mắt Đen cứ chan chát rơi lã chã trên má khi nghe Lô Giang cất giọng: “Người đi hành hương, mịt mờ lối sương, người đi hành hương, nhớ phố nhớ phường; Người đi một mình, đồi dốc nghiêng xuống, người đi một mình, vực sâu gọi tên…”
“Về thật nhá? Năm nay lạnh, mơ chùa Hương ngon lắm. Sẽ có thêm vị cocktail mới”… Nhắc đến cocktail, Đen buồn rũ cả người. Nhớ nhất là những lúc ngồi ở Bar Betta, nghe giọng hát ma mị của Lô Giang, và ghé môi vào ly những cocktail do chính tay cô test từng món. Món nào cũng làm Đen ngất ngây, chẳng bao giờ dám hỏi tên bởi vì sợ vào nơi khác không có được vị cocktail như thế. Muốn uống thì ghé Bar Betta. Đen cũng chẳng mưu cầu gì nhiều ngoài đôi ba khoảnh khắc ngắn ngủi cần ngồi ủ ê bên ly cocktail để chiêm nghiệm rằng cuộc đời thật ra cũng chỉ là một chuỗi những ly nước pha chế thập cẩm để mỗi người nâng lên đặt xuống, đôi khi ngọt ngào, thú vị, đôi khi chói gắt, khiên cưỡng, lắm lúc vừa nhấp môi nuốt vào đã phải ói ra.
Tin nhắn của Harry: “Thân mời em tới dự buổi ăn mừng đầy tháng cho con trai anh được tổ chức vào hồi 19h tối nay, gặp nhau ở cái ổ quen Kalguksu nhé. Sự hiện diện của em là niềm vinh hạnh của gia đình!”
À, “Chúc mừng anh và gia đình! Chúc em bé mạnh khỏe, hay ăn, chóng lớn! Em và Café sẽ tới!”, Đen hồi âm.
Harry mới cưới cô vợ trẻ kém anh chẵn 50 tuổi. Thật lạ là ở vào lứa tuổi bẩy mươi, Harry có được tình yêu của một người vợ trẻ mới vừa đúng hai mươi tuổi. Trước đó, Harry bệnh nặng lắm, anh không nghĩ mình sẽ qua khỏi. Tình yêu của cô vợ trẻ, vượt qua cả quá khứ, bệnh tật và dị nghị của xã hội đã khiến Harry hồi sinh.
“Chiều, 5h , tại gia. Tiệc chia tay Sarah. Không ai được vắng mặt đâu đấy” – Lu nhắn.
“Nhất định rồi! Ghé để còn chúc Sarah mạnh giỏi chứ!” – Đen nhắn lại.
Lu sinh con sớm, giờ Sarah đã đỗ đại học ở Pháp, tiệc chia tay xong là bay qua Paris, bắt đầu đời sống du học sinh. Con bé cao ráo, dong dỏng, chân dài miên man, tấm lưng thon lẳn, đẹp như một con ngựa cái tơ.
Lu cũng đẹp, nhưng thấp, đậm, trắng trẻo, mũm mĩm. Chồng Lu vừa cao vừa sang, vừa giỏi giang, bặt thiệp, biết ngoại giao, kiếm ra nhiều tiền. Lu cần gì, thích gì, từ các loại smartphone đến những đời laptop mới nhất, chồng đều mua cho. Lu muốn đi du lịch Singapore, Hong Kong, Malaixia, Thái Lan, Đức, Ý… chồng dẫn đi hết. Thế nhưng, hễ chồng đi công tác vắng thì yên cửa yên nhà, cứ về đến nơi, cất câu nói chuyện lên là va nhau chan chát. Chồng nói một, Lu tranh luận lại hai, nói hai Lu tranh luận lại bốn. Nhiều lần ức chế, chồng cầm búa ghè tan cả máy tính lẫn ti vi, sáng hôm sau lại dẫn Lu đi mua cái khác để thay thế. Nhiều lần bảo thôi từ giờ thỏa thuận nhé, ít nói đi một tí được không, để cho nhà cửa được yên ổn? Thế nhưng không thể nào nói ít đi được, nhà lúc nào cũng cứ ồn ã như chợ vỡ.
“Trưa nay em và con có rảnh? Mình đi ăn được không?”
Đen lặng người. Anh vẫn thế, ngắn gọn và không một chút hoa mỹ. Không phải Đen không nhớ hôm nay là ngày gì. Đen không bao giờ quên được những khi ngồi cả đêm để nặn ra được vài câu thật sự diễn đạt được ý muốn của Đen khi viết lên quà tặng. Mỗi năm một đau đầu vì càng ở bên nhau lâu càng không biết năm nay nên chọn quà gì. Cái gì cũng tặng rồi, những thứ thông thường như áo quần, mũ nón, giày dép, đồng hồ, sách vở, băng đĩa, thậm chí cả đàn guitar, máy nghe nhạc… cũng từng tặng nhau hết cả.
Yêu nhau mười năm, Đen và anh mới quyết định có đám cưới. Cầm thiệp đi mời, bạn bè hỏi thế còn chưa chán nhau à sao mà vẫn lấy nhau? Ngày hôn lễ, Đen ngồi đợi cứng nhắc trong chiếc áo cô dâu trắng muốt phồng to rực rỡ, đã sắp qua giờ đẹp mà không thấy đoàn đón dâu xuất hiện. Trái tim Đen mỗi phút một loạn nhịp.
Cuối cùng, khi chỉ còn vài phút nữa là hết giờ đẹp để ra khỏi nhà thì anh hổn hển lao tới. Chiếc xe cô dâu bị sự cố đột ngột khiến cả đoàn đón dâu phải kêu thợ sửa toát mồ hôi. Mọi thủ tục được tiến hành chỉ trong vài phút. Từ lúc anh đến nhà tới lúc anh nắm chặt tay Đen, lồng vào những ngón tay gầy chiếc nhẫn đơn sơ mà chính anh và Đen đi chọn, nước mắt Đen cứ chảy ra lã chã. Anh bảo, chọn nhẫn đơn giản thế thôi, để sau này dù có khó khăn đến mấy cũng chẳng khi nào quyết định tháo nhẫn ra khỏi tay để bán. Bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền mà. Thế thì còn lại kỷ niệm đẹp. Giá trị về tình cảm bao giờ cũng tỉ lệ nghịch với giá trị vật chất. Chẳng nói được câu gì, Đen cắm cúi theo anh bước ra cửa, trong lòng thổn thức nỗi niềm không thể gọi tên, những nhịp tim cứ hụt hẫng, chới với.
Ở với nhau năm năm, Đen và anh mới quyết định có con. Người ta thường nói, nếu vợ chồng nào đi qua được năm năm đầu thì gần như chắc chắn gia đình đó sẽ tồn tại được. Bởi vì thời gian thích nghi với nhau ban đầu là rất quan trọng. Thêm nữa, sinh ra một đứa con thì cuộc sống sẽ đảo lộn hết cả, chăm sóc trẻ con vất vả lắm, cho nên Đen và anh muốn tận hưởng đời sống hôn nhân. Chính vì để khá lâu mới quyết định sinh con, nên khi cái que thử nhảy lên vạch màu hồng thứ hai, Đen mừng muốn xỉu. Đen đã yêu thằng bé bằng một tình yêu thuần khiết, không một chút vướng bận, yêu hơn tất cả mọi thứ trên đời.
Thế nhưng, sau khi sinh bé Café, dường như chính cái mối liên kết mạnh mẽ nhất ấy cũng lại chính là rào cản lớn nhất, bỗng dưng tạo thành biên giới mềm rất khó xác định và càng lúc càng khiến không khí trong nhà căng như dây đàn. Đen muốn con ăn nhiều một chút, còn anh nói đâu cần ăn nhiều mà quan trọng nhất là ăn phải ngon miệng, em không dậy được sớm để cho thằng bé ăn sáng đúng giờ, tạo cho thằng bé một thói quen tốt, cho nên nó cứ uể oải cả ngày. Mùa đông lạnh quá, tất cả mọi người đều dậy trễ, công sở làm trễ, quán xá cũng mở trễ, Đen gắng gượng lắm cũng không thể dậy được cỡ 6, 7 giờ sáng.
Đen mua mấy thứ đồ Tây ở tiệm bánh mì, anh nói thức ăn đó toàn là hóa chất, tiền tố gây ung thư. Đen cố gắng học cách mua đồ ngoài chợ về làm mấy món ta, anh chê dở, bảo em chẳng biết kỹ năng làm mẹ gì cả, nấu món ăn cũng không được, dỗ dành con ăn cũng không xong. Cả ngày Đen đi làm, nhiều hôm họp hành căng thẳng, đầu óc cũng mụ mị đi rồi, toàn là kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu doanh số, chiều vội vã chạy về đón con, Đen chẳng thể nào nghĩ ra mình nên nấu món gì, hay nấu được món gì. Những món phức tạp Đen chẳng dám thử nữa vì chẳng còn biết khẩu vị anh ra sao, nấu thế nào thì anh và thằng bé đều ăn được, bởi vì món cho người lớn và món cho trẻ con là rất khác nhau. Đến ngay cả những món đơn giản như canh riêu cua ăn với bún, anh cũng bảo người ta lọc bún bằng chất tẩy trắng, còn cho thêm phooc-môn để sợi bún dai, em cứ để đó không ăn mà xem, bẩy ngày bún không thiu, không thối, ăn vào là mang thêm bệnh, sớm đi nhà thương. Trời ơi! Thế anh có hiểu rằng ở cái nước mình, ăn cái gì mà không ốm, không bệnh, không ung thư, không ngoài tươi trong héo? Cá còn quẫy, tôm còn nhẩy, thịt còn tươi nhưng bên trong toàn là cám tăng trọng, thuốc ướp chống thối. Rau quả thì phun đủ thứ thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu, mang ra chợ vẫn còn đầy dư lượng độc hại. Chỉ có thể không ăn mới tránh được nạp mấy thứ đó vào người.
Đen rơi vào trạng thái lơ lửng, không khi nào muốn ăn. Sáng không đói, không bao giờ ăn sáng, trưa ngồi làm việc qua bữa, thôi không ăn. Chiều đón con, nấu bữa tối cho cả gia đình, nấu xong lại thấy bụng cứ đầy lên anh ách, chỉ cầm bát cầm đũa cho có, ăn lấy lệ cho xong. Anh nhìn thái độ của Đen, bảo em ăn uống kiểu này chắc chắn có ngày đi cấp cứu vì đau dạ dày. Ừ, Đen nhủ thầm trong bụng, cả nước đau dạ dầy chứ có phải mình em đâu. Cả ngày vừa ăn uống đủ thứ độc hại, lại vừa nạp vào bụng thập cẩm các loại tin tức, cái chính thống, cái đồn đoán, có cái nhìn thấy tận mắt, có cảnh chứng kiến tận nơi, cái nào cũng khiến người ta đau quặn thắt cả ruột, chảy máu dạ dày, đau đến nhức đầu, ói mửa, đến vỡ động mạch phổi, đến hở cả van tim ra ấy chứ.
Món café yêu thích của Đen cũng bị càm ràm, bởi phần trăm café thật quá ít, chỉ toàn là tạp chất, và hóa chất trộn lại với hương liệu có mùi.
Đen càng lúc càng không trả lời được câu hỏi: Sống thế nào? Từ những chuyện lớn lao ngoài phố, ở công sở đến những chuyện bé tí trong nhà, Đen đều không có câu trả lời cuối cùng. Ủng hộ các em bé vùng cao thiếu áo quần mười bộ thì Đen cũng mua thêm cho thằng Café hai bộ quần áo mới, lần nào mang về anh cũng bảo em không thấy tủ quần áo của nó lúc nào cũng không còn chỗ xếp, sao phải mua nhiều quá, phí tiền. Nghĩ đến những em bé bị bỏ rơi, bị hành hạ thân xác, bị lợi dụng từ tuổi vị thành niên, Đen ôm thằng bé thật chặt, hôn chùn chụt lên má, nhiều khi bị anh mắng em làm thế hư thằng bé.
Càng sống với nhau lâu, Đen càng không hiểu anh. Hóa ra, ở bên nhau gần quá, không còn khoảng cách nào nữa khiến cả hai trở nên xa xôi và ngăn cách nhất. Đen ngơ ngác khi anh hỏi em không thấy con mình không bình thường như những đứa trẻ khác à? Đen có thấy gì đâu? Đen nghĩ thằng bé thông minh và nhạy cảm. Cho đến một ngày, đầu Đen như vỡ toác ra vì anh nói thẳng:
“Anh phải ra đi. Anh không thể sống nổi được nữa. Đây không phải cuộc sống của anh”.
Đây không phải là cuộc sống của anh. Vậy đây là gì? Đen không hiểu. Không bao giờ có thể hiểu. Đen choáng váng đến mức chỉ muốn thôi không sống nữa. Mà cảm giác đó thực sự lẽ ra đã mất kể từ khi sinh bé Café. Bởi một người phụ nữ đã một lần làm mẹ thì sẽ không bao giờ có quyền chết đi và không tiếp tục lo lắng cho con cái mình.
Đầu tiên, Đen lý giải rằng đó là giai đoạn stress sau sinh, cãi vã và bất đồng là chuyện đương nhiên bởi vì cho dù đã chuẩn bị tất cả mọi thứ để sẵn sàng nhưng sự thay đổi là không thể nào so sánh được. Đen đã không còn là con ngựa cái tơ hễ anh đụng vào là cuồng nhiệt. Đen không biết làm sao để khởi động lại chính mình. “Anh phải ra đi. Anh không thể sống nổi được nữa. Đây không phải cuộc sống của anh”. Lần thứ hai anh nhắc lại chuyện này, Đen khóc vật vã rồi ôm chặt anh vào lòng. Đen không muốn anh rời đi, không muốn thằng bé không có bố ở bên.
Hồi Đen và anh quyết định chuyển đến sống ở Seoul bởi vì công việc của cả hai tình cờ đều liên quan đến thành phố này, thằng bé cũng đã ba tuổi rồi. Những va chạm do bất đồng quan điểm về cách nuôi dậy thằng bé cũng bớt đi nhiều. Trẻ con không bị ảnh hưởng gì về sự thay đổi môi trường, thậm chí còn dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh mới.
Lần đầu tiên tới Seoul, Đen bước ra đến cửa sân bay Incheon đã cảm nhận cái lạnh thấu xương của thời tiết lạnh âm 5 độ. Anh lui cui kéo va li, sắp xếp đồ lên taxi, mau mải mở cửa xe ấn thằng bé đang ngái ngủ lên ghế cho đỡ lạnh vì có máy sưởi. Những hình ảnh chạy thật chậm trước mắt mà sao vẫn như quá nhanh. Rùng mình co ro trong một sự cô độc bất ngờ chiếm lĩnh toàn bộ thân thể, Đen nhìn mọi việc trôi đi cứ như một cuốn phim mà trong đó Đen chỉ là người xem.
Tác giả Hoà Bình ở Seoul - Secret Garden
Lướt trên đường phố buổi sớm, nghe gió rít ù ù ngoài cửa xe, ngắm những rừng cây trơ trọi cành khô, tuyết phủ dầy. Khắp nơi là màu trắng. Thế giới trắng. Đen ngắm những bông tuyết đang bắt ánh nắng buổi sáng, ánh lên lấp lánh như những tia lửa mặt trời nhảy nhót, trong lòng chỉ có một ý nghĩ duy nhất. Nào thì lạnh, nhưng vẫn đẹp, và phải tranh thủ tận hưởng cảm giác ban đầu, ghi nhớ thật sâu về cái đẹp. Bởi vì, Đen biết rằng mọi cái đẹp mong manh ấy rồi sẽ trôi qua rất nhanh. Thật ra, Đen còn biết thêm, cái đẹp bất biến, nó vẫn ở đó, nhưng theo thời gian, nó sẽ biến mất trong mắt con người.
Từ khi phải làm quen với cuộc sống ở nơi mới, mặc dù cả hai cùng ý thức về sự cô đơn của phía bên kia và cùng cố gắng chống chọi với hoàn cảnh cũng như bù đắp cho nhau nhưng thật lạ là stress không những không giảm mà còn tăng lên mãi.
Thêm một năm nữa thì rơi vào tình trạng nguội lạnh và sự vô cảm tràn ngập trong không khí. Trong môi trường mới, Đen đã học được cách phân xử công bằng hơn với công việc ở công ty và đời sống ở gia đình. Không còn những bất đồng, cãi vã về thực phẩm, phương pháp nuôi dạy con, nghề nghiệp sau này của thằng bé hay tranh luận những vấn đề lớn lao của xã hội. Thế nhưng, điều cuối cùng duy nhất còn lại là sự tôn trọng nhau trong im lặng tê tái và không khí lạnh buốt tràn ngập khắp thành phố, và từng ngóc ngách ngôi nhà.
“Anh phải ra đi. Anh không thể sống nổi được nữa. Đây không phải cuộc sống của anh”. Dù đã nghe đến lần thứ ba, đầu Đen vẫn cứ vỡ toác ra vì câu nói ấy. Sống thế nào? Cho dù thế nào, cũng không thể giam hãm đời nhau được nữa rồi. Đen ôm chặt lấy anh đến nghẹt thở, cào toạc hết lưng và vai anh. Đen lao vào anh, điên cuồng trong cuộc làm tình vội vã. Và hoảng sợ cảm nhận sâu sắc rằng chỉ có thể có cảm giác thèm khát thân xác đến thế mỗi khi biết rằng có thể mất nhau. Sau cuộc làm tình rồ dại, Đen và anh thức trắng đêm hôm đó. Chầm chậm, cẩn thận, chu đáo, kỹ lưỡng, Đen chuẩn bị từng món đồ để tách rời cho anh một cuộc sống, một tự do. Cái nguyên lý giá trị vật chất tăng lên thì giá trị tình cảm ít đi hằm hè chứng minh triết lý hiện hữu của nó. Trong đầu Đen, váng vất giai điệu “Người đi hành hương, mịt mờ lối sương, người đi hành hương, nhớ phố nhớ phường; Người đi một mình, đồi dốc nghiêng xuống, người đi một mình, vực sâu gọi tên…”
Anh thuê một căn phòng khác, cách hai mẹ con chừng hai mươi phút đi tàu điện ngầm. Mỗi tuần anh lại ghé một lần, không cố định là ngày nào, không lặp lại vào giờ nào, để tránh tạo thành thói quen cho thằng Café, anh bảo vậy. Anh sẽ lựa thời gian công việc và thời gian nghỉ ngơi của cả hai, để thằng bé không bị thiếu bố nhưng không nhất thiết khi nào và việc gì cũng cần bố. Café vẫn còn bé nên nó cần mẹ hơn, nên ở bên mẹ nhiều hơn.
Bao giờ anh cũng hỏi trước rất rõ ràng: “Anh đến có tiện không? Em có mắc hẹn việc gì khác không? Có ai ở đó cùng em không?” Bao giờ anh cũng tế nhị tách ra khu vực khác hoặc dỗ dành thằng Café tham gia một trò chơi mới, nếu thấy Đen có điện thoại gọi tới, bất kể là người Việt hay người Hàn, bất kể chuyện công việc hay chỉ là tám chuyện linh tinh. Không khi nào anh ở lại, cho dù nhiều lần, trời đã khuya, anh vội vã dời đi để kịp chạy bộ tới chuyến tàu điện ngầm cuối cùng của buổi tối. Khi cánh cửa nhà vừa mở ra, không khí lạnh bên ngoài tràn vào buốt giá, Đen run rẩy vì bàn tay anh vẫn kịp đọng lại chút hơi ấm trên cổ Đen lúc dừng lại khẽ choàng cho Đen tấm khăn mỏng, và dặn với: “Giữ ấm đi. Em là hay bị viêm họng lắm”.
Trên tay anh, và tay Đen, cả hai chiếc nhẫn đơn sơ vẫn nằm đó. Giá lạnh tê tái.
“Trưa nay em và con có rảnh? Mình đi ăn được không?” - Trên màn hình I-phone, cái message chưa được hồi đáp tự động lặp lại nhắc nhở.
“Được anh ạ! Em và con rảnh” – Đen vội vã nhắn tin
“Em muốn ăn gì? Ở đâu?”
“Anh chọn chỗ nào, em và con sẽ tới”
“Em chọn đi. Anh muốn em chọn”
Đen ngồi lặng ngắt. Mấy phút trôi qua.
- Ai thế hả mẹ? – Thằng Café hỏi
- Bố đấy!
- Ôi! Bố à? - Mắt thằng bé sáng lên mừng rỡ - Bố hỏi gì mẹ đấy?
- Bố hỏi hai mẹ con muốn ăn gì trưa nay.
- Mẹ ơi. Con không muốn ăn. Con chỉ muốn Cocktail Mặt Trời.
Đen choáng váng. Mới tối hôm qua, thằng bé đi ngủ mà vẫn còn vật vã vì giận dỗi. Giờ biết nói sao với nó?
- Được rồi. Để mẹ nói với bố.
“Con trai chỉ muốn Cocktail Mặt Trời” - Đen vội vã nhắn tin.
“OK. Vậy hai mẹ con đến Secret Garden nhé!”
“Là sao? Em và con đang ở Secret Garden”
“Vậy thì cứ ở yên đó. Mười phút nữa anh có mặt” - Đen cảm thấy dễ thở hơn một chút, dù gì thì bố thằng bé cũng sắp đến.
Thằng Café dứt vội cái tai nghe, lao ra phía cửa, nhảy lên ôm lấy cổ bố, mặc dù bụi tuyết còn vương trên áo anh chưa kịp phủi. Và mặc dù đôi má có bộ râu vừa cứng vừa lạnh ngắt, thằng bé cứ dụi mãi vào má, vào cằm bố nó. Đen quay mặt ra phía sông, không muốn nhìn thấy cảnh đó. Sông Hàn cuồn cuộn con nước lớn màu vàng nhạt phù sa trôi mãi. Bên kia sông, những cánh rừng trơ trọi cành khô không chút sức sống. Tuyết kiên nhẫn rơi, phủ trắng toát kín mít trên những cành khô.
Từ lâu rồi, Đen nhìn thấy những cành khô, thấy tuyết rơi, thấy nước sông Hàn cứ cuồn cuộn chảy vậy thôi, không thấy đẹp. Thật ra, Đen đã biết từ lâu, rằng cái đẹp bất biến, nó vẫn ở đó, nhưng theo thời gian, nó đã biến mất trong mắt Đen. Ngay cả ánh nắng mặt trời đẹp rực rỡ như những tia lửa nhỏ vẫn ánh lên lấp lánh mỗi hôm cũng không còn hiện diện.
- Em khỏe không?
- Em bình thường. Chúc mừng sinh nhật anh!
- Cảm ơn hai mẹ con đã nhận lời ăn cơm sinh nhật với anh! Chăm thằng bé chắc cũng mệt rồi, để anh gọi đồ ăn trưa nay nhé.
- Nhưng thằng bé chỉ đòi Cocktail Mặt Trời.
- Trước khi anh dời đi, có lần, anh dẫn nó ra đây, ngồi chính cái bàn này. Hai bố con ăn một bữa trưa rất vui. Món tráng miệng hôm đó, anh gọi Café trộn Kem. Anh bảo đấy là món Cocktail Mặt Trời. Café là con, Kem trắng như tuyết ngoài kia đấy, còn Mặt Trời là mấy trái dâu rừng ướp lạnh, có thêm cả những bông hoa Tú cầu đỏ rực trước mặt chúng ta đây này. Trời lạnh quá, nhưng mình cứ ăn kem cũng được, không sao hết, chúng ta sẽ tập quen với cái lạnh từ bên trong ra để không bao giờ sợ cái lạnh bên ngoài. Nhất là khi, cho dù giữa mùa đông, cây cỏ ngoài kia không thể nào sống được nhưng thực ra sức sống vẫn luôn có ở bên trong. Đến mùa xuân, tất cả sẽ bừng dậy, sẽ nở hoa. Như trái dâu ướp lạnh vẫn tươi nguyên, như bông hoa Tú cầu vẫn đang nở trong này. Chỉ cần phải biết chăm sóc đúng cách cho nó...
Đen cũng không biết làm cách nào và từ khi nào, tay Đen ở trong tay anh ấm sực. Là từ phía anh hay từ phía Đen? Đen không biết, không thể trả lời. Hai chiếc nhẫn cọ vào nhau ran rát. Hình như có sự phát nhiệt do cọ xát mạnh làm Đen bị bỏng, hoặc có thể chỉ là nhói đau.
Đen gỡ bàn tay mình khỏi tay anh, đẩy cửa bước ra ngoài. Gió từ sông Hàn thổi lên ào ạt, quất ràn rạt vào mặt kính lạnh lẽo, nhức buốt, gió xộc thẳng vào mũi, xói thẳng vào hai bên tai. Đen không thở được nữa. Chênh chao, váng vất. Đen đứng không vững trên đôi giày cao gót, vì thế buộc phải đứng yên, tựa vào vách kính lạnh ngắt của Secret Garden, không thể quay lại, không thể nhúc nhích.
Tuyết rơi miên man. Thế giới Trắng. Xóa nhòa tất cả mọi ranh giới và sắc màu hiện hữu. Trong sự mờ mịt cộng hưởng của tất cả các màu. Trong chớp mắt kéo dài vĩnh cửu, trôi lang thang như mây u mê, dải quang phổ đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím cùng lóe lên chói lóa và chớp sáng khiến Đen nhức mắt. Rồi biến mất. Và cơn đau khởi lên. Như một cuộc sinh nở dữ dội.
Tình yêu đã được hoài thai sẽ ra đời và lớn lên, bất chấp mọi sự hòa trộn, giành giật, chắp vá, khiên cưỡng và lấp liếm của cuộc đời. Như một giai điệu đẹp nhưng luôn buồn. Đen cầu nguyện cho bé Café được bình an trong suốt thuở chưa biết gì. Cầu cho những giấc mơ màu đỏ sẽ đến và trở đi, trở lại. Trong đầu Đen, váng vất giai điệu “Người đi hành hương, mịt mờ lối sương, người đi hành hương, nhớ phố nhớ phường; Người đi một mình, đồi dốc nghiêng xuống, người đi một mình, vực sâu gọi tên…”
Seoul, Tháng 1/2014
(Trích trong tập “Cocktail, café, kem & Mặt trời, NXB Trẻ ấn hành, 2015)
Tác giả Hoà Bình ở Seoul (Korea)
Xem thêm