Hạ cánh miền cổ tích
Hạ cánh miền cổ tích - Truyện ngắn của Hoà Bình
Khi chiếc máy bay Boing 747 mang số hiệu QH1563 chao nghiêng một cái, khiến hành khách bên khung cửa sổ có thể nhìn rõ màu xanh ngút mắt đẹp lồng lộng của Cảng hàng không Tuy Hoà, Phú Yên phía dưới cánh máy bay, trong lòng An bỗng nhiên cuộn sóng. Có một chút gì đó giống như là mắc ói, như say sóng, cảm giác nóng rực cứ đẩy lên nghẹn ngào nơi cuống họng. Nuốt nước bọt trở nên khó khăn. Xém chút thì An bật lên thành tiếng ho nhưng phải cố gắng hết sức để kìm lại. Ho giữa thời đại dịch COVID-19 hoành hành như thế này quá nhạy cảm. Nếu tiếng ho bật lên, có lẽ mấy trăm hành khách trên máy bay sẽ cùng nhốn nháo. Suốt một thời gian dịch bệnh căng thẳng kéo dài, đã có quá nhiều thông báo tìm người trên các chuyến bay, càng khoang VIP càng lây dữ.
Cũng có chút lo lắng bất ngờ nổi cồn lên trong đầu An, nhưng rất nhanh chóng, cô lại cảm thấy tin tưởng vào tờ chứng nhận xét nghiệm COVID-19 chiều hôm trước vừa ghi “âm tính”. Chắc chắn kết quả xét nghiệm còn thời hạn trong vòng 72 giờ. Trong chuyến bay đầu tiên rời khỏi “vùng đỏ” nơi có số ca nhiễm bùng phát với tốc độ kinh khủng, trở thành địa phương có số lượng F0 lớn nhất Việt Nam, để được phép sang “vùng xanh” toàn bộ hành khách đều phải trình chứng nhận đã tiêm ít nhất là 2 mũi vaccine, test COVID-19 âm tính trong thời hạn 72 giờ mới được lên máy bay.
Tuy thế, khó tránh khỏi cảm giác lo sợ chiếm lĩnh đầu óc bất cứ ai, bởi đa phần F0 ở Việt Nam nhiễm biến chủng Delta, trong khi đó, thế giới đã kịp xuất hiện biến chủng Omicron khuynh đảo nhiều quốc gia. Quy trình nghiên cứu vaccine mất vài năm cho một thành phẩm, liệu có chạy đua nổi không với tốc độ biến chủng nhanh kinh hoàng của virus SARS-CoV-2.
Tự trấn an mình vào đúng khoảnh khắc nổi cơn muốn ho, nhưng đến bữa trưa, cảm giác mắc ói trở lại khi An vừa ngồi xuống bàn tiệc ngập đầy những món hải sản yêu thích. Cá thu tươi rói sốt cà chua, mực xào với thơm và ớt chuông, sò huyết đặc biệt đánh bắt từ đầm Ô Loan… Sao thế nhỉ? An băn khoăn, cố gắng hít hà mùi các món hải sản bốc khói, tự nhủ, chưa mất mùi vị, thế chắc là không sao đâu, có lẽ vẫn an toàn, mong chưa “dính”, hoặc nếu đã nhiễm thì tải lượng còn thấp, chưa đến mức độ phát tán virus cho các hành khách cùng đoàn.
Nhưng cũng lại xém chút nữa, nếu không cố gắng kìm được, thì An sẽ hắt xì hơi, mà hắt xì trong mùa dịch, chắc chắn là cả bàn sẽ lần lượt tìm cớ đứng dậy, không ai muốn ngồi ăn chung nguyên một bữa cơm với người nghi có thể là nguồn lây. Ra được đến Phú Yên, không ai còn lo đói. Mà cảm giác có thể coi là đói, với người Sài Gòn, đã trôi qua từ mấy tháng trước đó rồi.
Ngồi bên cạnh An trong bàn ăn là Bình – cán bộ Sở Văn hoá địa phương. Thấy An ngắc ngứ mãi không chịu gắp, Bình mạnh dạn xin phép mời An mỗi thứ một miếng. Theo lời Bình, thì các món hải sản trên bàn ăn đều là những thứ mà xưa kia dùng để tiến vua. Đặc sản Phú Yên vốn nổi tiếng ngon và sạch. An thực sự có cảm giác biết ơn Bình nhưng vẫn chống đũa thận trọng nhìn từng miếng đồ ăn trong chén. An nuốt không trôi.
- Sài Gòn phồn hoa của An, anh Bình biết không, chưa bao giờ và không ai có thể tưởng tượng nổi, đã đau đớn oằn mình đến thế trong đói, mệt, thiếu thốn kinh hoàng những ngày dịch bệnh lan tràn. An cùng các nhóm tình nguyện phải đi xin từ thiện từng thùng mì, ký gạo để tiếp tế cho F0. Không ai nghĩ vựa lúa miền Nam có ngày người dân thiếu gạo ăn. Thê thảm hơn, rau xanh trở thành hàng hiếm. Có những lần, xe rau về được tới Sài Gòn thì rau lá héo úa, thối, nát, bầm dập gần hết, bắp cải, su su, bí xanh cũng hư nhiều nhưng còn ăn tạm được nên tụi An vẫn phải lựa lại để mang tiếp tế F0. Nhiều ngày, An đi từ 5 giờ sáng đến tối mịt, không có thời gian ăn bất cứ bữa nào, mà thực sự cũng không thể mở khẩu trang và đồ bảo hộ để ăn lúc đó, tối về tới nhà mới úp tô mì ăn đỡ. An lăn lộn suốt hai tháng dịch căng nhất ở tất cả các quận xa nhất, nghèo nhất. Có nhiều con hẻm, lây nhiễm từ đầu hẻm tới cuối hẻm, không ai dám bước chân vô, tụi An vẫn vào. Nhiều gia đình đã không còn ai sau trận dịch. Có người tử vong mấy ngày vẫn không có chỗ trên Đài hoá thân để đưa đi.
- Hồi đó, Sài Gòn bệnh nặng quá – Bình thở dài – Mà lúc đi tình nguyện, An đã tiêm vaccine chưa?
- Lúc đó, An chưa được tiêm bất cứ mũi nào. Các thành viên khác trong đội tình nguyện cũng thế, nhiều người chưa được tiêm. Bạn thân của An, một thành viên năng nổ nhất trong đội, vừa phát hiện dương tính, chỉ vài ngày sau đã đột ngột qua đời. Bữa đó, An khóc quá chừng. Bạn ấy còn trẻ lắm, mới hai mươi nhăm tuổi. Tụi An vào tận từng nhà test cho F0, mang đồ ăn tiếp tế F0, hỗ trợ đem ô xy đến cho các F0 khó thở. Bạn ấy khoẻ, yêu đời, không sợ bất cứ khó khăn nào. Nhưng COVID-19 đã không sợ bạn ấy, vì bạn ấy bị… dư cân… COVID-19 tấn công mạnh nhất vào người mập - Giọng An nghẹn lại, nước mắt bất thần rơi xuống chén thức ăn lổn nhổn những món hải sản.
Đô thị giàu có bậc nhất của tiểu vùng sông Mekong tan hoang giữa đại dịch, chỗ nào cũng lở lói những vết băng bó, phong toả, giãn cách chặt chẽ, nhà ai nấy ở, không ai được rời Sài thành đã đành mà ở trong “vùng đỏ” bắt buộc tuân thủ quận cách ly với quận, phường cách ly với phường, khu phố cách ly khu phố, thậm chí trong chung cư tầng nọ phải cách ly với tầng kia, bước ra sảnh chung cư cũng là vi phạm pháp luật, xâm phạm không gian chung. Nhiều chung cư bị lây nhiễm theo trục dọc qua các ô thông gió khiến hầu hết các căn hộ cùng số đều lần lượt trở thành F0.
Nửa triệu bệnh nhân phát sinh trong một thời gian quá ngắn, tiếng còi xe cấp cứu dồn dập vang lên ở tất cả mọi ngõ ngách, mọi thời điểm khiến An mất ngủ. Hàng triệu người Sài Gòn cũng mất ngủ như An. Trong khí đó, các bác sĩ, y tá, hộ lý, tình nguyện viên thiếu ngủ nằm lăn lóc ở mọi góc bệnh viện dã chiến. Thành phố thiếu vật tư y tế, máy thở, thiếu cả cơ sở mai táng, hoả thiêu, những chuyến xe lạnh chở bệnh nhân COVID-19 sang các tỉnh thành khác đi thiêu “chui” đã bị cơ quan chức năng phát giác.
- Thôi để Bình đưa An đi dạo quanh bãi Cổ tích, ngắm cảnh chút cho khuây khoả nhé! – Tiếng Bình cắt ngang dòng hồi tưởng của An – Ngồi nữa cũng không ăn được, để lát nữa Bình đưa An đi ăn cháo hàu sau vậy.
Bình nói đúng. Lòng An dịu lại ngay khi hai người vừa đặt chân tới bãi Cổ tích. Một thiên đường mộng mơ hiện ra trên triền đồi xanh ngút mắt hoa lá cỏ cây, chạy dài tới tận bãi Cổ tích ngập đầy những con sóng tung bọt sóng trắng xoá.
- Như trong phim! - An thốt lên, ngơ ngẩn chôn chân đứng nhìn khung cảnh bãi Cổ tích
- Thì đúng rồi. Chỗ này chính là nơi quay phim điện ảnh “Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh” – Bình giải thích, nhưng bỗng đột ngột kéo An trở lại với thực tế phũ phàng – Bên biển thì đẹp mộng mơ nhưng bên đường là cả một tấn bi kịch giằng xé. Lúc ca nhiễm ở Sài Gòn lên cao quá, bà con đói, ở lại Sài Gòn không còn đường sống, muốn về quê mà chính quyền sợ lây nhiễm, nhiều tỉnh không đồng ý cho dân trở về. Bên con đường này, từng đoàn xe máy vẫn kéo nhau nối đuôi ngày đêm chạy qua, nhiều người chằng buộc cả vợ lẫn con, và chó, với mèo, cùng xong nồi, vật dụng lên chiếc honda. Có bà mẹ chở hai đứa con, thằng anh 9 tuổi ôm đứa em trai mới 2 tháng tuổi. Có bé gái ngất trên đường đi vì mệt và đói. Có đàn chó bị tiêu huỷ vì sau đó chủ của chúng trở thành F0. Nhiều người xác định về quê để… chết cũng được. Nhưng về đến địa phận đất quê thì tỉnh không cho vào địa bàn, yêu cầu tiếp tục di chuyển sang tỉnh khác. Với bọn mình, còn chút mừng đấy không phải câu chuyện của Phú Yên. Ở đây, lãnh đạo tỉnh đã đánh đổi cả sinh mạng chính trị để tổ chức đón dân về. Cái lý của các anh nghe thì hơi tủi thân nhưng đúng, Phú Yên là tỉnh nghèo, trong quá khứ dân phải đi tha phương kiếm ăn, giờ dịch bệnh lan tràn, dân muốn về, tỉnh phải sắp xếp đón về bằng được. Phú Yên đã đón tổng số gần 20.000 dân, hàng ngàn chuyến xe chạy suốt ngày đêm tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định phòng, chống dịch. Hàng ngàn tình nguyện viên cũng đã lăn lộn như An, bọn mình thức trắng nhiều đêm đón đồng bào, phát từng ổ bánh mì, phần nước uống, đưa vào khu cách ly, test định kỳ để phân loại nhóm nguy cơ.
Từ lúc gặp, lần đầu tiên An thấy Bình nói một chặp thật dài. An cứ tưởng chỉ có dân Sài Gòn mới mắc hội chứng hậu COVID-19. Ngạc nhiên, cô quay lại, lần đầu tiên nhìn kỹ gương mặt điển trai rám nắng mặn mòi sóng gió của Bình.
Quay lại phía ngược chiều với biển chính là con đường quốc lộ dài hun hút mà Bình nhắc tới. Mặc dù nắng Phú Yên vàng rực đổ xuống phủ ngập những tán cây xanh, nhưng mắt An lại bất chợt nhoè đi, từng hàng nước mắt theo nhau rơi.
Trong một giây ngắn ngủi nhìn kỹ gương mặt người cán bộ Sở Văn hoá địa phương, trái tim An bất chợt tê tái buồn. Nhìn nghiêng ở góc 45 độ, thốt nhiên Bình giống hệt Thái - người bạn trai mà đại dịch đã vừa cướp mất khỏi vòng tay An. Không có được một tấn bi kịch oai hùng như các y tá hay bác sĩ lao mình vào đại dịch bỏ lại người thân, Thái đi làm tình nguyện vận chuyển F0 đi cấp cứu, An lăn lộn mang ô xy, mang thực phẩm, mang test nhanh kháng nguyên đến tận nhà F0. Cả hai đều thuộc những đội tình nguyện “không số”, chẳng được báo đài nào nhắc tới, ngợi ca. Ngày nào cũng ráng liên lạc với nhau để biết người yêu mình còn sống. Nhưng, rốt cuộc, cái ngày điện thoại không có tiếng trả lời, tin nhắn không hồi đáp cũng tới. Thái thuê một căn hộ nhỏ, ở một mình, tự test, phát hiện dương tính nên không đồng ý để An tới nhà chăm sóc vì sẽ vi phạm các quy định cách ly, ai ngờ, Thái chuyển nặng chỉ trong 2 ngày, vĩnh viễn ra đi sau mấy cơn khó thở bất ngờ. Thái và An còn chưa kịp kết hôn, đôi nhẫn cưới vẫn nằm trong hai hộc tủ ở hai nhà.
An bấn loạn, rơi vào trầm cảm kéo dài không thể gượng dậy. Cô không còn động lực muốn sống. An không ăn nhiều ngày, chỉ uống nước. Cô lao vào tất cả các địa bàn ngóc ngách, khó khăn hơn, nguy hiểm hơn. Điều kỳ lạ là mọi lần test An đều âm tính.
An không muốn và chưa từng kể câu chuyện mất mát riêng tư của mình cho bất cứ ai. Trong đại dịch, nhiều đứa trẻ đã mất cả cha lẫn mẹ, nhiều gia đình mất đi thân nhân mà còn không hề biết chặng cuối của cuộc đời họ đã được đưa vào nhập viện nào, tử vong chính xác ở đâu, vào thời điểm nào? Khái niệm “bệnh nhân vô danh” đã phát sinh gắn cho hàng ngàn trường hợp tử vong vì COVID-19 khi bệnh nhân trên người không mảnh giấy tuỳ thân, được chở đi tới cả chục bệnh viện mới tìm được nơi nhập viện thì đã hôn mê, bác sĩ, y tá không hỏi được bất cứ một thông tin nào, tên, tuổi, địa chỉ.
Mấy tháng liền trầm uất của An, xã hội không ai giải quyết, bởi chính các bác sĩ, y tá, hộ lý sau thời kỳ đại dịch cũng đều mắc phải những hội chứng tương tự, sau khi tất cả đều chứng kiến quá nhiều bệnh nhân tử vong ngay trước mắt mà không thể cứu chữa. Hầu hết toàn bộ bác sĩ, y tá, hộ lý đều phải tới gặp các bác sĩ tâm lý để điều trị.
- Tạm biệt những ký ức buồn đi An. Chúng ta quay về chuẩn bị cho Lễ Khai mạc trại sáng tác nhé?
Lời đề nghị đột ngột của Bình khiến An ngơ ngác mất mấy giây. Rồi, rất nhanh chóng, An thấy anh nói đúng. “Nghệ thuật cứu rỗi!” – Cô tự nhủ, quay gót, từng bước nhẹ nhàng theo Bình đi về hướng resort Đảo Ngọc, nơi mở khu trại sáng tác đang chuẩn bị làm Lễ khai mạc.
Phú Yên, Tháng 11/2021
Xem thêm