Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan - Đọc “CUỘC HẸN NƠI CỔNG THIÊN ĐƯỜNG”, tập truyện của Hoà Bình

SỰ THIẾU HỤT NHÂN CÁCH DO HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH TINH THẦN

Mỗi nhà văn thường chọn cho mình một chủ đề chính yếu, nhiều khi mang tính chất một nền tảng chung chạy suốt các câu chuyện nhà văn đó đã kể và sẽ kể. Dĩ nhiên, các ý niệm cốt lõi cho chủ đề văn học không có quá nhiều, đại loại  chỉ như bảy nốt nhạc, hay như “thất tình”,  “hỉ nộ ái ố bi ai lạc”, nhưng có lẽ chính vì thế mà khoảng tự do cho người viết kiến tạo những dạng thức tổ hợp của chúng lại trải đến mênh mông.

Tiểu thuyết đầu tay của Hòa Bình, cuốn “Gọi con người,” công bố năm 2009, dường như đã xác nhận dáng vóc chủ đề văn học mà tác giả này quan tâm và gắn bó hơn cả. Trong tiểu thuyết đó, ba nhân vậ tngười cha/chồng, người mẹ/vợ và đứa con của họ lần lượt giữ vai chính, và từ những đứt gãy bên trong cái tam giác linh động huyền ảo của quan hệ con người cội rễ và mật thiết nhất ấy, nữ tác giả nghe thấy tiếng “Gọi” thầm lặng ở phía những bất toàn nhân cách - thể xác của “con người” – bởi những sự khiếm khuyết, sự không hoàn thiện là cái khiến người ta mơ ước đến hoàn thiện, rồi đến lượt những mơ và ước đẩy người ta lệch nhau, xa nhau, mà thường là bất giác.

Cách lý giải bí ẩn số phận từ góc độ những bất toàn nhân cách - thể xác như thế tiếp tục dẫn dắt chủ đề văn học của Hòa Bình trong tập truyện nổi bật “Cocktail café, kem và mặt trời” năm 2015. Nữ tác giả khai thác chủ đề của mình trên một bảng màu rực rỡ hơn: bảng màu của bốn mùa thiên nhiên và với nhịp điệu của lối sống tiêu thụ đô thị lớn. Thiên nhiên, với tính cách là bối cảnh tự nhiên đồng thời là cái phần bản năng sống, sức sống bên trong thôi thúc con người – cái thiên nhiên như thế luôn luôn ở vào chỗ của các bè đối âm (counterpoint) đối với những quan hệ “nhân tạo” mang tính cơ cấu của cõi người kiểu như quan hệ lợi ích, quan hệ “sếp” với “nhân viên”, “giàu” với “nghèo”, “cổ cồn” với “chân dài” … Nhưng, tinh tế như chính cuộc đời, các đối vị đó xoắn xuýt bện vào nhau đan vào nhau hành tiến; và nhà văn nghe thấy ở đó rất nhiều những hòa âm gắt gỏng, cho dù người viết hướng cho chúng một khuynh hướng khác, pha vào màu sắc triết luận Phật đạo êm thấm và hướng thiện.

Ở tập truyện mới “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” cũng vậy. Nữ tác giả tiếp tục tìm lối khám phá nỗi cô đơn, cảm giác lẻ loi thậm chí cô độc của những cư dân đô thị trung niên và còn trẻ. Tình trạng bất toàn hay khiếm khuyết nhân cách - thân thể giờ đây có một xuất phát điểm xa hơn về phía bất ổn: hầu như không còn hình bóng cái được gọi là “gia đình hạt nhân” như ở “Gọi con người,” thay vào đó dàn nhân vật mà những câu chuyện kể này xoay quanh đều là những cá nhân đơn độc, hay đúng hơn là những “đơn tử” theo cách gọi của Michel Houellebecq.

Nhưng vị thế của những tình trạng bất toàn đã có thay đổi: khiếm khuyết mà các nhân vật ở đây phải đối mặt dường như phát lộ bởi những thành đạt của họ. Trong truyện “Người đi đâu” nữ nhân vật chính là một kiểu mẫu người-trong-mơ với xã hội hiện đại. “Bà ấy” là một bà mẹ đơn thân, không “cặp” với ai quá ba tháng mà không chán, rồi bỗng rơi vào say đắm một anh trai trẻ. Sự thành đạt có thể mang nhiều diện mạo khác. Nhân vật “anh” trong truyện “Đi về phía vô cùng” hiện ra như một “cổ cồn” điển hình, một trang nam nhi thành đạt mắc chứng rối loạn cương dương không dám nói ra dù với bác sĩ.

Hay là, còn thời thượng hơn, kiểu thành đạt của ba người đẹp trong truyện “Vòng ôm hoàn hảo của người mua nỗi buồn,” ba thiếu phụ lộng lẫy được gọi tên “Số Một, số Hai, số Ba”. Hai tiếng “tình yêu” từ đối thoại của ba thiếu phụ mỹ miều vang lên nghe có vẻ thách thức và xa xỉ, gần như một thứ gì đó bên ngoài thân thể. Cũng như vậy, theo chiều ngược lại, với nhân vật “anh” ở truyện đã dẫn trên : “tình yêu” của một người bị “rối loạn cương dương” thách thức cái nội tâm nội giới anh ta đến thế nào? Dường như các câu chuyện “tình yêu” xuyên suốt chi phối tất cả những truyện trong tập này đều nắm giữ vai trò mã hóa sự biểu hiện của một nhân cách. Sự hầu như tê liệt của “tình yêu” (phương diện tinh thần) trong truyện “Đi về phía vô cùng” cũng có hiệu quả đó: nó khiến ta thấy rằng nỗi cô đơn xét cho cùng là một biểu hiện, hay là một kích thước, của thiếu hụt nhân cách.

Truyện của Hòa Bình có điểm thú vị là không sa vào diễn giải “ngôn thuyết” về cái chủ đề văn học của chúng. Một cách khá tự nhiên, nữ tác giả hướng sự chú ý của truyện vào khai thác hay kể về các nhu cầu nội tâm của nhân vật, và lối kể đó giữ cho loại vấn đề nền tảng như vấn đề về nhân cách ở đúng vị trí, vị thế trầm sâu của nó, như dạng thức bè trầm (basso continuo) trong hòa tấu. Chẳng hạn ở ba trường hợp vừa dẫn trên đây, ngay cả trong văn cảnh toàn truyện cũng khó mà nghĩ rằng những nhân vật như thế đang rơi vào sự khiếm khuyết bất toàn về nhân cách – theo lương thức thông thường đương thời mà nói. Nhưng cũng rất hiển nhiên, theo lương thức thông thường, đấy là những hình ảnh rõ ràng về thiếu hụt nhân cách, sự thiếu hụt “mắc phải,” do một kiểu “Hội chứng Suy giảm Miễn dịch Mắc phải/ AIDS” về tinh thần mà thời buổi gây nên.

Những bất toàn, khiếm khuyết về nhân cách – mà hầu như đều biểu hiện qua cảm giác lẻ loi, đơn độc – khiến cho nhiều nhân vật  trong những truyện của Hòa Bình đi tìm sự bù đắp từ những “lời Phật dạy”, hay từ việc nghe kinh Phật, và đôi khi viện đến cả “Thiền”. Bên cạnh đó, một số nhân vật dường như tìm thấy sự bù đắp cùng lúc ở cả Thiền, Phật và âm nhạc – nổi bật như trong truyện “Tuyết Liên Hoa” hay “Bức tử hiện tại”. Với những quang cảnh thuần túy tinh thần và cảm giác đó, các câu chuyện nhuốm màu siêu thực và khiến ta thấy chính cái cuộc sống thường ngày của xã hội đô thị lớn đương đại quả là cũng có tính siêu thực – điều, như đã đề cập ở trên, tạo thành các bè đối vị khá gay gắt với phần bản tính tự nhiên, tính người, ở các nhân vật này.

Tựu chung, họ tìm kiếm sự bù đắp cho nhân cách từ phía thế giới tâm linh và/ hoặc từ không gian thẩm mỹ mà âm nhạc tạo ra cho họ. Hầu như ấn tượng về không gian thẩm mỹ đó cũng mang tính thực thể - thân thể đồng thời lại hòa vào thế giới tâm linh. Chẳng hạn, với nhân vật Cầm - cô người yêu đầy những ưu uẩn nội tâm trong truyện “Bức tử hiện tại,” luẩn quẩn trong những ấn tượng ký ức về chàng người yêu nổi bật lên cái “vầng trán ám mùi nhựa thông”, cái “mùi dầu và nhựa thông hăng hắc vương trên vai áo anh” – mùi vị tạo nên ẩn dụ về một người quên mình cho nghệ thuật, một nghệ sĩ vĩ cầm có lẽ không coi trọng gì khác hơn cây đàn, cây vĩ.

Bức tử hiện tại” là một trong  ba truyện ở tập  này biểu hiện khá tinh tế chủ đề về cái chết. Cảm giác cô đơn, tính siêu thực, sự vươn về phía cõi tâm linh tôn giáo – tất cả những mô thức đó trong biểu hiện đều tạo nên trường liên tưởng từ tình trạng bất toàn về nhân cách sang cái chết – là sự bất toàn triệt để, sau cùng, tình trạng hủy diệt  cái hiện tồn của nhân cách. Tuy nhiên, các biến tấu về chủ đề như thế rõ ràng không đi đến ngưỡng cửa hư vô của sự chết. Sau những ly “Cocktail café, kem…” thì Hòa Bình dường như dành tập truyện này cho những bước thăm dò về “phía khuất của Mặt Trăng” của những cảnh trạng cô đơn trong náo nhiệt, những cái lẻ loi dù sao cũng vẫn rất đa dạng sôi động lôi cuốn và thấm đẫm đam mê của cõi trần./.

*Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan - Đọc “CUỘC HẸN NƠI CỔNG THIÊN ĐƯỜNG”, tập truyện của HÒA BÌNH.

 

Tranh chữ "Gọi con người"

Bộ tranh chữ do thư pháp gia Trịnh Tuấn thực hiện, ấn bản trong tiểu thuyết "Gọi con người" của Hoà Bình

Tranh chữ "Gọi con người"

 

  


(*) Xem thêm