Mùa bệnh tật
Mùa bệnh tật - Truyện ngắn của Hòa Bình
Anh chỉ muốn gục xuống, ngã lăn ra, và cứ thế nằm yên dưới những gót giày. Xung quanh anh, hếch lên những chiếc giày da sáng bóng, lạnh lẽo, quyền lực; một cô váy rất ngắn để lộ nguyên cặp chân trần rất dài, chiếc mũi giày trắng xinh như một thứ đồ chơi đung đưa, giọng truyền cảm ngọt như mía lùi cũng đung đưa. Dường như ru ngủ. Dường như bỏ bùa mê, thuốc lú.
Chưa khi nào anh cảm thấy mệt mỏi như lúc này. Trong phòng đợi giữa chuyến bay đêm, không khí điều hòa lạnh như đóng băng, anh gục xuống chiếc ghế dài, ngất đi giữa lao xao rì rầm kín mít chen chúc những người là người. Giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa thông báo cửa khởi hành đã mở, anh rệu rã bước lên phía hàng người vô cảm, mệt mỏi, tay xách nách mang. Ba giờ sáng. Trên bầu trời trong veo lộng lẫy, vầng trăng nặng trĩu, vằng vặc sáng, đã đi quá nửa cung đường, ngả hẳn sang phía Tây.
Bốn mươi tuổi, đã là phía Tây chưa?
Anh không thể nào trả lời câu hỏi đó. Anh không hiểu nổi quỹ thời gian đã tiêu tán đi đâu, chạy vào những ngả nào mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết bốn mươi năm. Mỗi đầu năm, làm kế hoạch cho một năm mới, anh cũng thường điểm lại đời mình, lên kế hoạch chu đáo cho từng giai đoạn, một năm, ba năm, năm năm, mười năm…; Nhưng cứ đến cuối mỗi năm, phải ngồi lại đọc và xem xét báo cáo cho cả công ty, anh lại thấy đau khổ. Đã bao giờ anh tự viết báo cáo lại đời mình chưa sau tất cả những kế hoạch chu đáo? Cũng có, nhưng thường là không viết mà điểm lại theo cách xuê xoa, lớt phớt, chủ yếu là nghĩ đến thành công. Mọi thất bại nhanh chóng bị bỏ quên trong một căn phòng khóa kín, anh chủ động ném chìa khóa đi rồi. Hồn nhiên sống, học hành, làm việc, hồn nhiên yêu đương và lấy vợ, sinh con, nuôi nấng, chăm bẵm, tính toán chuyện học hành và cả tương lai của các con nữa.
Bốn mươi tuổi, mỗi thứ có một ít, gia sản có, công ty có, vợ con có, bồ bịch cũng có, cái gì cũng có, nhưng rút cuộc tất cả mọi thứ dường như vẫn là vô nghĩa. Anh không sao biết rõ mình là ai? Thật ra, anh mong muốn gì? Đến trong đời này là để làm gì?
Lạ lùng thật. Hay là tại cái xứ nhiệt đới nóng ẩm mà anh sống đã làm anh phát điên?
- Điên thì chưa. Nhưng mà anh mắc bệnh đấy.
- Bệnh gì, thưa thầy?
- Nhiều bệnh lắm – Ông thầy gầy gò, quắc thước, búi tóc trĩu nặng sau gáy, ấn mạnh thêm một chút ngón trỏ và ngón giữa lên mạch của anh, nghiêng đầu lắng nghe tiếng dòng chảy rì rào trong cái cơ thể cao lớn, chậm rãi trả lời – Tâm không yên, viêm gan rồi, phổi ruỗng, thận suy, tóm lại là nội tạng của cậu chả còn gì.
- Ôi, nói vậy sao được, thầy thấy rồi đấy, con ăn to nói lớn, thành đạt, mạnh khỏe. Con chỉ nghĩ, có khi con mắc bệnh trong tâm tưởng?
- Bệnh tưởng… - Thầy khẽ cười - Thì cũng đúng. Không những bệnh tưởng, mà bệnh rất nặng. Cái đó là Tâm. Đã bảo Tâm không yên rồi mà. Cơ thể cậu như một cái cây, có rễ có thân có cành có lá, Tâm là gốc rễ của cái cây đó. Còn thân, cành, lá của nó, tôi chỉ nói đơn giản thế này để cậu hiểu được và hãy nhớ cho. Đó chính là các bộ phận còn lại của cơ thể. Nội tạng của cậu chẳng còn gì đâu nhé. Liệu mà chữa đi, kẻo sớm phải hối tiếc đó.
- Con mới vừa đi khám sức khỏe tổng thể hồi cuối năm, năm nào cũng đi, mà có kết quả gì bất thường đâu?
- Chờ đến lúc có kết quả bất thường từ bệnh viện, thì nói người nhà chuẩn bị lo hậu sự đi là vừa – Thầy điềm tĩnh nhấn mạnh.
Anh rùng mình vì những lời lạnh lùng được nói nhẹ như gió thoảng bên tai. Cúi thật thấp đa tạ thầy, anh chui ra khỏi căn nhà mái chảy, nồng nồng mùi trầm, đung đưa văng vẳng tiếng mõ lóc cóc đệm cho những bài tụng dài lê thê.
Bắt gặp một làn gió xuân lành lạnh lướt qua, làm run rẩy chùm hoa Ban tím ngắt, tơi tả những cánh mỏng manh rụng xuống dính lép nhép dưới mưa xuân ướt mấy bậc tam cấp, anh hắt xì, rùng mình thêm lần nữa.
Có vẻ anh chưa quen được với tiết trời mùa xuân ẩm thấp của phía Bắc, cho dù cái thành phố nóng nực phía Nam nơi anh đang sống rất dễ làm anh phát điên và nhiều lần khiến anh phải chạy trốn.
Mà thật ra, trốn cái gì, anh cũng không biết rõ. Ở nơi đó, công việc của anh rất tốt, kinh doanh phát đạt, bạn bè nhiều, vợ con ổn định, bồ bịch loanh quanh kín kín hở hở cũng có dăm ba cô. Lắm lúc hẹn hò gặp gỡ xong cũng thấy hay ho, thấy mơ mộng, thấy thỏa mãn. Thế mà vẫn không chịu nổi, vẫn cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị đã lấn át hết tất cả, khiến anh phải rùng mình kinh sợ, phải đi trốn.
Vặn vòi hoa sen cho nước xối xả ở mức mạnh nhất, anh cúi mặt để dòng nước chảy tràn khắp đầu, tóc, cổ, vai, lưng. Không dùng bồn tắm, ướt và lạnh thấm đẫm khắp cơ thể, anh mới từ từ cởi áo quần ném qua một bên, chĩa vòi nước xả thẳng vào người, trước khi nước ấm lên. Bỗng rùng mình, không biết có phải vì tiết trời mùa xuân phía Bắc? Hay vì ngấm lạnh đột ngột? Anh hắt xì lần nữa, thoáng nhớ lùng bùng bên tai lời thầy:
- Tắm gội sà sã và ngồi lì cả ngày trong phòng điều hòa. Chỉ cần hai cái đó đủ giết chết cậu. Cứ liệu đấy. Tôi không nói quá đâu.
Vội vàng quấn tấm khăn trắng to tướng quanh mình, anh bước ra khỏi phòng tắm, lập cập tìm đồ sạch trong chiếc va li mở toang vung vãi đồ đạc.
Không phải sợ hãi, nhưng không lý giải nổi cảm giác lúc đó.
Bốn mươi tuổi, tứ thập nhi bất hoặc. Nhưng anh chưa khi nào thôi nghi ngờ, chưa khi nào hết tự vấn, và có quá nhiều thứ khiến anh không thể nào lý giải nổi.
Ví dụ như một chuyện nhỏ là giữa đám gái bán bia phơi đùi, phơi rốn, phơi những trái bưởi tưng tưng đi lại, nhe nhởn mời chào “em là chuyên gia thổi kèn” lại có thể tồn tại một cô tóc dài, mềm như những sợi rong biển, chỉ cười nhỏn nhẻn cả buổi. Tiệc tùng với đối tác, thích gu nào được quyền chọn, anh chỉ cô, bảo ngồi cạnh mình. Cô rót, gắp, nhưng rất từ tốn, không ép, không cố. Anh mời thì cô uống, nhưng chỉ uống, không ăn gì. Anh hỏi:
- Em mới vào nghề à?
- Dạ không! Em làm được năm năm rồi
- Em bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi!
Tối đó, anh mang cô đi luôn. Cô nói “Dạ được! Nhưng anh phải báo với bà chủ!”. Về khách sạn, cô cởi hết quần áo, treo lên cẩn thận, tắm gội cẩn thận, quấn tấm khăn quanh mình cũng rất cẩn thận, rồi dịu dàng dỗ anh vào tắm. Cô vặn nước tràn đầy bồn, bóc xà phòng thơm, bóp dầu gội, kỳ cọ cho anh như chăm bẵm một đứa trẻ.
Trên giường, cô tự bỏ tấm khăn, để lộ một cơ thể nhỏ nhắn, trắng bóc. Cơ thể không nói dối, nhìn độ cong của vách lưng, anh biết đúng là một tấm thân hai mươi.
Cô bắt đầu với việc ve vuốt từ chỗ túm lông nơi ngực anh, lướt nhẹ đôi tay mềm mại xuống phía dưới. Bỗng nhiên, anh rùng mình, hắt xì lần nữa. Không phải bị cảm, anh vẫn thấy cơ thể hoàn toàn bình thường, trừ cảm giác lạnh ngắt lan tỏa đến từng đầu ngón chân một cách cực kỳ xâm chiếm, lấn át.
Phía dưới của anh ỉu xìu, không sao có thể cương cứng lên được. Không phải ốm, cũng không phải không ham muốn.
Anh nắm nhẹ để biết chắc chắn một điều, bàn tay cô không nói dối, nó mềm mại, và rất ấm, đúng là đôi tay hai mươi. Hồi anh còn hai mươi, anh từng có cảm giác nắm tay bạn gái. Một cách chân thành và âu yếm nhất. Run rẩy. Xúc cảm. Tận hưởng từng giây. Mặc dù hồi đó anh không hề biết những giây như thế đâu có nhiều.
Bốn mươi tuổi, đâu đã muộn, cũng chẳng chậm, chẳng lỡ, chẳng tiếc nuối gì. Nhưng sao anh vẫn không hiểu. Anh nhìn vào mắt cô. Khi cô ngước lên, đôi mắt không nói dối, trong veo, rất lạ, thực sự tuổi hai mươi.
Vội vã chia tay cô lúc nửa đêm, anh chẳng thể ở lại thành phố mùa xuân tràn ngập sắc hoa trên mọi ngóc ngách phố phường này nữa, check out sau năm phút thu dọn đồ dùng, anh gọi taxi ra sân bay.
Đến năm giờ, khi tiếp viên thông báo chuẩn bị hạ cánh, thì mặt trăng gần như biến mất trong đường chân rời phía Tây hồng rực, chói chang hình ảnh phản chiếu của những tia nắng bình minh quá mạnh từ phía Đông.
Trở về cũng là một cuộc chạy trốn? Trốn chạy điều gì? Chính anh cũng không biết. Không có bất cứ câu hỏi nào được trả lời, khi anh đã cố gắng đối diện với chính mình.
2013
(Trích trong tập “Cocktail, café, kem & Mặt trời, NXB Trẻ ấn hành, 2015)
Xem thêm