Báo chí viết về tiểu thuyết: "Gọi con người"
Tập hợp các bài báo, bài phê bình viết về tiểu thuyết "Gọi con người" của Hoà Bình
Về tiểu thuyết: "Gọi con người" của Hoà Bình (Nhà sách Tân Việt - NXB Hội Nhà văn ấn hành)
Báo điện tử Dân trí: Nhà văn nữ Hoà Bình ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay
Báo điện tử VnMedia: Nhà văn Hoà Bình - Gọi con người bằng 35 cửa chữ
Báo Thể Thao Văn hoá: Nhà văn nữ Hoà Bình ra mắt tiểu thuyết đầu tay
Báo Gia đình - xã hội: Tác giả tiểu thuyết “Gọi con người”: “Khỏa thân” trên trang viết
Nhà sách Minh Khai giới thiệu - Gọi Con Người (Tiểu Thuyết của Hòa Bình)
Gọi con người - Tiếng gọi yêu đầy ẩn ức
Sau rất nhiều năm yên lặng, tưởng chừng như nhà văn nữ Hoà Bình đã xa rời cái nghiệp văn chương đầy trắc trở, ngờ đâu ngày xuân chưa cạn, sắc xuân còn hồng, chị đã lập tức xông đất văn đàn, mở ra một năm mới hứa hẹn nhiều biến động.
Chữ tương tác chữ
Tiểu thuyết đầu tay “Gọi con người” của nhà văn nữ Hoà Bình đã chính thức ra mắt công chúng sau gần hai năm ấp ủ, giữa một không gian tương tác ấn tượng với thư pháp Tiền Vệ (Trịnh Tuấn và Long Hà).
35 bức thư pháp, ứng với 35 cánh cửa, 35 chương của cuốn tiểu thuyết, được treo một cách đầy chủ ý trên cao như cố tình khơi gợi trí tò mò của độc giả. Thư pháp là do hai tác giả Trịnh Tuấn – Long Hà cùng viết. Người cho là “cùng tông”, kẻ thì lắc đầu bảo chẳng ăn nhập gì với cuốn sách; rồi đến con số 35 cũng bàn tán là tuổi tác giả hay ám chỉ điều gì rất… vô nghĩa. Thôi thì mỗi người mỗi cách hiểu.
Hẳn nhiên là tiểu thuyết phải có trước, rồi mới đến 35 ô cửa chữ. Ai cũng phải bước vào đời, mỗi người mỗi kiểu, kẻ được trải thảm đỏ đón chào, người thì vấp lên, vấp xuống, lê lết tiến lên, lại ai kia vừa đi vừa dừng lại trầm ngâm suy nghĩ…
Và 35 chương tượng trưng cho 35 cánh cửa cuộc đời ấy. Còn thư pháp gia Trịnh Tuấn lại lấy chính chữ từ mỗi chương của tiểu thuyết mà mình tâm đắc nhất viết lên.
Theo anh cho biết, thì nhà văn đã tạo ra 35 lát cắt cuộc đời, 35 tình huống tưởng chừng xa lạ hoá ra vốn hiện hữu trong bất kì ai, còn anh chỉ việc từ đó mà lựa chọn từng con chữ, từng trích đoạn, đong đếm ý nghĩa, rồi viết, nên gọi là cửa chữ.
Hẳn nhiên là cuốn tiểu thuyết hay bộ thư pháp đều có tính độc lập tương đối, tuy nhiên với điểm đặc sắc là sự gia tăng quan điểm thẩm mỹ của hội họa trừu tượng, kết hợp nhuần nhuyễn với yếu tố ngẫu hứng trên nền thư pháp truyền thống, 35 bức thư pháp Tiền vệ đã tạo thành 35 bức tranh mang nặng sức rung cảm, khiến cho công chúng thêm hiểu thông điệp từ phía tác giả.
35 mảnh nát của gia đình
Cho dù chính tác giả khẳng định là 35 cánh cửa, thì tôi vẫn cho phép mình gọi đó là 35 mảnh nát của gia đình. Vâng, cuộc sống đang nát nhừ ra ấy chứ, chính nó đang làm hỏng nó. Cái bi kịch gia đình ấy bắt nguồn từ chính nó.
Chẳng bị hai họ cấm đoán chuyện yêu đương, không có cái nông nỗi mẹ chồng nàng dâu, họ hàng lời ong tiếng ve, cũng chẳng bị nghèo đói vây hãm đến thành hèn hạ, “Gọi con người” chỉ xoay quanh cái ẩn ức, cái mưu sinh, cái nông nỗi làm tình mà ra cả.
Chị vợ có con, rồi áp lực công việc gia tăng, cơn ghen của chồng, căn bệnh của con. Anh chồng, sau khi có con tự dưng thấy vợ trở thành xa lạ, rõ là của mình lại cứ ngỡ của… người khác. Và rồi đứa con nhỏ với trái tim thánh thiện, lúc nào cũng khao khát sự ấm áp đến từ cả hai phía bố mẹ mình. Phải chăng họ “tha nhân”, lạc loài ngay trong chính bản thân mình, đánh mất mình vì những điều rất nhỏ nhặt, vì những kinh nghiệm mà cuộc sống chất chồng lên chứ không phải bằng một trái tim biết cho và nhận yêu thương.
Có thể nói là sex rập rình trong cả 35 cánh cửa, thậm chí trong cửa cuối cùng, sex như lên đồng. Ừ thì sex đang trở thành một yếu tố cơ bản giữ gìn hạnh phúc gia đình, khoa học chứng minh là 70% các cuộc li dị bắt nguồn từ việc không thoả mãn sex mà ra. Chồng đi tìm của lạ vì ngấy vợ, mà vợ đi cặp bồ cũng vì chữ chán. Còn trong “Gọi con người”, họ lại xa cách nhau dù vẫn khao khát nhau, ngay cả khi đang làm tình với người khác. Vậy ra ở đây có một ổ khoá mất chìa giữa hai căn phòng do không hiểu nhau.
Con chữ mộc mạc và hình thức cầu kỳ
“Gọi con người” ẩn chứa bên trong lớp con chữ đơn thuần, mộc mạc nhiều yếu tố hình thức và tư duy hiện đại. Làm cách nào để có thể tạo ra 35 chương, mà độc giả có thể đi từ bất cứ chương nào, đọc ngược, đọc xuôi, đọc lộn xộn, xào xáo mà vẫn có thể hiểu được. Ở đây hẳn nhiên là cần một cái đầu tỉnh táo để có thể chế biến chi tiết, tình huống, tâm trạng… sao cho vừa đủ, cần một nhát cắt khéo để không đâm cành, mọc lá sang chương sau, thế mà rễ cây thì vẫn phải xiên chéo vào nhau để người đọc còn hiểu.
Nữ văn sĩ cho biết chị chọn cách viết này để nếu có cơ duyên nào đó, cuốn tiểu thuyết được chọn dịch, giới thiệu ra nước ngoài thì dịch giả sẽ không bị mệt mỏi, và có thể truyền tải được tư tưởng cuốn truyện. “Có những nhà văn khẳng định sách của mình không thể dịch được, vì sẽ làm rơi rụng hết mọi sự cầu kì hình thức của tác giả, nhưng tôi cho rằng điều đó là không nên. Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong cả thế giới này, và làm cách nào để thế giới biết đến con người hiện đại của dân tộc Việt mới là điều khó khăn”.
Hoà Bình đã chọn cho mình một cách xử lý khéo léo khi để 3 dòng tâm trạng giữa nhân vật chồng, vợ và con chạy đan xen nhau trong tác phẩm.
Kết thúc chương cuối bằng tâm trạng của nhân vật nữ, với 1 câu hỏi lặp lại 3 lần: “Vì sao em yêu anh?” có thể cho là sự chưa hoàn hảo của cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên người đọc không dễ gì nhận ra sự thiêu thiếu ở đâu đó, bởi nó được che đậy khéo léo bằng một tình cảm rất thật, rất xúc động bật lên từ những khao khát đầy thiên tính nữ của nhà văn.
Đọc “Gọi con người” và nhìn lại chính mình, bạn sẽ nhận ra trong nhân vật có một phần nhà văn, một phần bạn, bởi tất cả chúng ta đều đang hiện hữu, đang phải đối mặt với mọi sự bấn loạn của tâm thức thời đại. Bạn sẽ nhận ra rằng yêu thương là phải cho đi chứ không phải chỉ trông chờ được nhận.
Hoà Bình sinh ngày 6/5/2009 tại Hoa Nam, Đông Hưng, Thái Bình. Chị tốt nghiệp trường Viết Văn Nguyễn Du khoá V (1993 – 1997), hiện đang là Thư ký tòa soạn Báo điện tử VTC News. Chị từng xuất hiện trong các tập truyện ngắn chung với các tác giả khác như: “Vòng tròn im lặng”, “Ngày hôm qua”, “Sông phù sa”. “Gọi con người” là tiểu thuyết đầu tay của chị.
Khánh Thy
35 cánh cửa chữ dẫn người đọc vào cuốn tiểu thuyết của Hoà Bình
Cuộc sống muôn đời cũ nếu mình không tự làm mới
Hằng Nga (thực hiện) – Nhà báo và công luận
- *Trong sáng tác, nhà văn nam và nhà văn nữ rất khó khẳng định giới tính qua tác phẩm. “Nhân vật của Hoà Bình luôn mang trong lòng nỗi hoài nghi về thân phận. Tưởng là nam, hoá ra không phải nam, rõ là nữ mà lại chẳng là nữ, họ cũng chẳng ở giới tính thứ ba, cũng không vô tính.” Chị đã có một nhận xét khá thú vị và chính xác về nhà văn nam và nhà văn nữ trước các câu chuyện của mình, giải tỏa phần nào thắc mắc về những ẩn ức của nhà văn nữ. Cái gì làm cho chị có quan niệm rõ ràng thế?
- Thực trạng của xã hội hiện đại chính là những vấn đề nhức nhối khiến tôi quan tâm khi cầm bút. Người phương Đông chú trọng chuyện “hương khói”, sau khi chết đi vẫn giỗ chạp linh đình và mỗi gia đình nhất thiết phải có người “chống gậy”. Tôi tôn trọng truyền thống nhưng không ủng hộ những ý thức hệ sai lầm như thế. Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình mổ lợn mổ gà ăn mừng khi sinh được con trai, để rồi cuối cùng lại ngất lên ngất xuống khi biết con mình chẳng phải một đấng nam nhi mà thuộc giới tính thứ ba. Như tự bạch của Phạm Thành Trung trong tự truyện “Thành phố không lạc loài” đã kể. Như nhiều thân phận khác mà nếu để ý thì mọi người sẽ thấy nhan nhản trong xã hội.
Khi khác biệt về giới tính (tự thân hoặc do ảnh hưởng của người khác), cá thể rất dễ bị cộng đồng xa lánh, cô lập, lên án. Thực trạng này đẩy tới những phát triển lệch lạc về nhân cách cực kỳ đáng sợ. Cá thể khác biệt hoàn toàn có thể trở thành tội phạm hoặc gián tiếp làm hại đến đời sống của người khác.
Sự vong thân, lạc loài đang tồn tại trong những “giới tính” mới được sản sinh ra – như hệ quả tất yếu của xã hội hiện đại. Nếu ý thức được rõ ràng về điều này, thì nên chăng chỉ cần nghĩ xem cá thể đó có tốt không? Và nên khuyến khích phần tốt trong con người anh (chị) ta phát triển. Nếu chẳng may trong gia đình mình có những cá thể khác biệt, nên tìm cách đồng hành cùng họ, hướng dẫn họ phát triển những tính cách tốt. Ngoài xã hội cũng thế, bỏ chút nhân tâm ra mà suy nghĩ, vị tha với nhân quần, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
- *Ban đầu cầm bút viết văn chị đã ý thức được điều này hay chị phải trải qua những gì mới đi đến quan niệm không ranh giới của nhà văn?
- Tôi ý thức về điều này trước khi cầm bút viết ra cuốn “Gọi con người”. Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du nhưng 10 năm nay tôi không công bố một sản phẩm văn học nào. Đó chính là khoảng thời gian để tôi lăn lộn với cuộc sống, chiêm nghiệm và tư duy cho tác phẩm.
- *Chị là một nhà báo theo dõi văn chương nhiều năm-vừa tiếp cận, nắm bắt xu hướng văn chương vừa nhìn dưới con mắt của các nhà phê bình, khi viết văn chị có bị ảnh hưởng ai hay là cố tình tránh đi những lối đi của người khác?
- Với tư cách một nhà báo, theo dõi văn hóa văn nghệ, tôi đọc tất cả, xem tất cả và nghe tất cả những gì có thể. Có một chút yếu tố phê bình khi “nhìn ngắm” tác phẩm của bạn bè đồng nghiệp nhưng chưa thực sự đạt được đến phê và bình. Bởi vì tôi vẫn muốn là người viết nên không “lấn sân” giới phê bình. Cũng bởi vì mỗi người chỉ có thể làm tốt được chuyên môn sâu trong một vài lĩnh vực nên tôi không ôm đồm. Lý do thứ ba nữa thì đúng là nên tránh những con đường mà người khác đã xây đắp nên. Tôi yêu thích nhiều giọng viết, cây viết cổ điển lẫn đương đại nhưng không bị ảnh hưởng của một người cụ thể nào. Tôi không thích những ai tuyên bố là vì không đọc tác phẩm ABC nên tôi vô tình giống họ chứ không cố ý. Như thế chỉ khẳng định sự thiếu chuyên nghiệp và cẩu thả mà thôi.
- *Chị nghĩ gì về việc thiếu chuyên nghiệp của các nhà văn viết văn bằng nghề tay trái (đa số làm báo, làm biên tập cho các NXB) nhưng kỳ thực lại dồn nhiều công sức, tâm huyết cho văn chương, trong khi thời gian thì bị xé lẻ? Về điều này thì các nữ nhà văn càng bị xé lẻ thời gian bởi công việc cơ quan, gia đình nhiều hơn.
- Đó là một vấn đề rất lớn đối với người viết. Ai cũng biết là nhà văn không thể ngồi viết và sống bằng nhuận bút, trừ khi anh (chị) ta có năng lực viết được mảng sách bán chạy, và cũng có đủ bình thản để hài lòng với “giá trị kinh tế” (cũng là một trong các giá trị) mà anh (chị) ta đạt được (còn hơn nhiều nhà văn viết sách ra mà chả ai mua, chả ai đọc).
Ngược lại, phải làm thế nào để chứng minh được tính chuyên nghiệp của mình trong lúc cái thường nhật cứ xé lẻ bản thân nhà văn ra làm nhiều mảnh? Theo tôi, mâu thuẫn này không khó giải quyết. Nhà văn chuyên nghiệp là những người cần mẫn chứng tỏ mình bằng ngòi bút. Hãy cứ viết đi đã, chưa biết sản phẩm của anh (chị) công bố ra sẽ được đón nhận tới mức nào, nhưng ít ra thì anh (chị) thật sự lao tâm khổ tứ và phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là xương máu trên mảnh đất văn chương.
Nhà văn thực sự buộc phải là người sống được nhiều cuộc đời trong một cuộc đời, sống hộ nhiều người khác với nhân tâm lớn và tri thức lớn. Người bình thường đọc một thì nhà văn phải đọc hai ba thậm chí hơn nữa. Và buộc phải giành thời gian để làm được điều đó. Thế nên người bình thường ngủ tối thiểu 6 tiếng một ngày thì nhà văn nhiều đêm phải thức trắng. Có như thế, tác phẩm mới có sức nặng và thuyết phục được số đông.
Văn chương chỉ là vẻ đẹp của tâm hồn, không thỏa mãn những nhu cầu thực tế trong cuộc sống nên rất khắc nghiệt. Nó không cho phép bất cứ lý do nào để bào chữa, kiểu như tôi là phụ nữ thì tôi phải có gia đình, chồng con tôi là trên hết…
- *Cũng vì những mâu thuẫn đó mà ngày càng ít nhà văn dấn thân hơn với văn chương. Các truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết ngắn ra đời nhiều hơn là những tiểu thuyết đồ sộ?
- Một phần vì những lý do đó. Phần khác nữa, theo tôi, là do các nhà văn (cả nam lẫn nữ) ngày nay cũng lười, ít chịu cập nhật kiến thức khác ngoài văn học, không thật sự hiểu được cuộc sống và xã hội, thế nên không “đi” được đường xa mà chỉ dừng lại ở vài phút lóe sáng của cảm xúc. Nguy hiểm hơn nữa là nhiều người tự thỏa mãn mình trước khi độc giả thỏa mãn. Và đương nhiên khi đã mang tâm thế đó, thì nhà văn chết yểu trong những tác phẩm “be bé”, “vừa vừa”.
- *Cuốn tiểu thuyết của chị có nhiều cái mới lạ: Cách đọc ngược xuôi 35 cửa chữ (35 phần) của chị, khổ cuốn sách hơi khác bình thường, chị kết hợp đưa thư pháp vào truyện, cách đề cập đến sex, cách nhìn cuộc sống hôm nay…Tất cả đều muốn tạo ra một cái mới. Bởi vì sự nhàm chán những cái quen thuộc, hay đó là cách thử nghiệm sắp đặt văn chương của chị?
- Cuộc sống thì muôn đời cũ rích. Để tạo được ra cái gì mới mẻ quả không dễ. Như cách tạo ra gas để đun nấu từ việc ủ phân bò, hóa ra, ở Việt Nam thì tưởng là mới chứ ở Mỹ thì người ta thử nghiệm và thành công với điều đó từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Với tư cách là người viết, tôi muốn độc giả có nhiều cánh cửa để bước vào ngôi nhà văn chương. Tôi muốn gợi lên trong mỗi người đọc một tình yêu (dù mong manh) đối với những trang sách. Và vì tôi tôn trọng độc giả, nên cố gắng tối đa để có thể làm mới những trang sách, làm đẹp những trang sách.
- *Mọi cái đều thay đổi chóng mặt. Chị có nghĩ là văn chương giờ cần khác đi theo xu hướng đổi mới của cuộc sống? Ngay cả dòng văn chương mượt mà một thời cho là đỉnh cao nay cũng không còn độc tôn.
- Theo tôi, đó là xu hướng tất yếu của cuộc sống. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông mà. Nhà văn thực sự phải là người kiến tạo nên những thế giới mới để độc giả bước vào. Nội tâm của nhà văn buộc phải là dòng sông tuôn chảy, và ngày sau phải khác với hôm nay. Còn, chảy mạnh được đến cỡ nào thì tùy vào cái thác lũ đầu nguồn của mỗi người như thế nào, chăm chỉ rèn giũa, cập nhật hay lười nhác, tự thỏa mãn; trong sáng với câu chữ hay vấy bẩn chuyện danh phận…
- *Cuộc sống trong truyện của chị không bao giờ giản đơn, các nhân vật luôn làm khổ nhau bởi sự nghi kị, căm thù hoặc mê cuồng, yêu hận... và rồi chính họ cũng không biết họ là ai, thực sự tồn tại để đi về đâu trong sự bất tận và vô nghĩa lý của kiếp người. Vậy còn trong cuộc sống chị nhìn cuộc sống với con mắt nào? Đơn giản hay phức tạp?
- Vì sao mỗi con người chúng ta lại có mặt trên đời? Chỉ riêng để trả lời được câu hỏi này đã không hề đơn giản. Cứ thử tưởng tượng xem, giữa hàng vạn tinh trùng của người đàn ông và hàng ngàn quả trứng của một người đàn bà bất kỳ, sự gặp nhau nào trong hàng tỉ phút giây của cuộc sống sẽ “kiến tạo” nên cái thế giới riêng phức tạp là mình?
Nếu nhà văn trả lời được câu hỏi đó và biết ơn cha mẹ cùng giờ phút đã cho mình bước vào cuộc sống thì nhà văn sẽ hiểu chức phận của anh (chị) ta là gì trong cuộc đời này.
Trả lời được hai câu hỏi cơ bản này, tôi cho là mỗi con người (chứ không chỉ nhà văn) sẽ tìm thấy chínmình trong cuộc sống. Khi đó, mọi thứ đều trở nên đơn giản và rõ ràng.
- *Tự nhìn lại chính con người mình, sâu thẳm trong trái tim mình, hãy tôn vinh chữ “người”, níu giữ cho mình lòng nhân ái, vị tha, trái tim hướng về ngả từ bi, và thành thật với chính tình cảm của bản thân. Có lẽ lúc đó số phận mới thật là bạn - Có phải đó là điều quan trọng nhất mà chị muốn gửi gắm?
- Bạn là một độc giả thực sự cẩn thận. Bạn đã nói lên điều tôi muốn gửi gắm trên những con chữ. Hy vọng sẽ có nhiều độc giả đồng ý với tôi ở điểm này.
- *Chị đã tuyên bố: “Tôi là kẻ không ngại khỏa thân cho người đời ngắm, nếu đó là khỏa thân nghệ thuật. Và có thể thật sự là tôi đã khỏa thân trong cuốn sách. Còn nhìn ngắm nó bằng con mắt nghệ thuật hay dung tục là việc của người đọc”. Chị không ngại ngần đề cập đến sex trong tác phẩm của mình, nó gần như xâu chuỗi các câu chuyện và ẩn ức của các nhân vật?
- Có những độc giả đọc xong cuốn sách, khi liên hệ lại với tác giả, bức xúc hỏi: Tôi nhìn thấy nhiều điều trong cuốn sách nhưng có thấy sex gì đâu, sao một vài báo lại viết thế nhỉ? Tôi cho rằng, đó chỉ là những cách nhìn nhận khác nhau, đa chiều trên mỗi góc nhìn của người đọc.
Sex là một phần tất yếu của cuộc sống, nếu thiếu sex thì mỗi con người, dù tồn tại với giới tính nào, sẽ không thật sự có một cuộc sống. Nếu đồng ý với tôi về điều đó, độc giả sẽ cảm nhận yếu tố sex trong truyện của tôi cũng chỉ là một điều bình thường của cuộc sống.
Đúng là tôi không ngại đề cập đến chuyện này. Tôi còn muốn những trang viết phải thực sự để cho tình dục chỉ là tình dục, không cần che đậy bằng những vỏ bọc nào khác. Đó chính là cuộc sống. Nhà văn đủ tài thì sẽ chuyển tải được hơi thở của cuộc sống vào tác phẩm.
Hằng Nga (thực hiện) – Nhà báo và công luận
Xem thêm