Mười hai câu chuyện như đi vào những ngóc ngách tâm lý của người trẻ đang yêu...

 

Tác giả Hoà Bình vốn đã quen thuộc với bạn đọc trẻ qua các tác phẩm như Cát hay là Ngọc, Cocktail, café, kem và Mặt Trời, Nick Vujiic & Những ngày ở Việt Nam (sách ảnh, thực hiện chung với nhiếp ảnh gia Nguyễn Á), Gọi con người… Nhưng đến với tác phẩm Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường lần này, bạn đọc sẽ thấy một Hòa Bình vô cũng khác biệt.

Không chỉ gây ấn tượng bởi tựa đề đầy sức ẩn dụ, Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. 

Những câu chuyện trong cuốn sách không chỉ là những éo le thường thấy của những cuộc tình, mà còn đi sâu vào diễn tả những giằng xé hay cảm giác bất an, lang thang vô định trong thế giới nội tâm của nhân vật. Cùng khám phá nỗi cô đơn, thậm chí lẻ loi, cô độc của cư dân tuổi trẻ sống nơi đô thị.

'Cuoc hen noi cong thien duong': Nhung goc khuat cua gioi tre hinh anh 1

Cuốn sách Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường của tác giả Hòa Bình.

Tập truyện ngắn gồm 12 câu chuyện nhỏ tương ứng với 12 tháng của năm và được xếp theo trình tự thời gian của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.

Mở đầu là Bộ mặt bên trong bộ mặt với cảm xúc đầy mãnh liệt của cô gái ở độ tuổi thanh xuân với một kỳ nghỉ Tết nhiều ấn tượng, họ lang thang trong ký ức tình yêu đẹp lộng lẫy và quý giá không gì đánh đổi được.

Qua mùa hạ, bạn đọc được phiêu du trong các truyện Cuộc hẹn nơi cổng thiên đườngChuyện tình bên bờ Vô Cực... cùng với đó là nỗi ám ảnh về những khoảnh khắc yêu dễ dàng vụt qua cuộc đời của bất cứ ai.

Với mùa thu, không khí se lạnh làm lòng ta buồn mênh mang trong Đứt kết nối hay bí ẩn trong tình yêu và những bản nhạc quyến rũ của cô gái trẻ bị Bức tử hiện tại.

Và mùa đông khi giữa tiết trời lạnh giá, con người cần lắm những vòng tay nồng ấm. Trong phần này, tác giả đã khắc họa lên chữ “tình” nóng bỏng, vượt qua mọi khoảng cách, kể cả ranh giới giữa sự sống và cái chết với Một nơi nào đó trong trái tim hay Tuyết Liên Hoa… 

Đặc điểm chung của 12 câu chuyện trong Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường có bắt đầu nhưng không có kết thúc. Vì vậy, khi gấp lại cuốn sách trong lòng ta hiện lên vô vàn câu hỏi và đôi khi thấy được nỗi cô đơn của ta trong chính tình yêu đó.

Trong cuộc đời, ai cũng khao khát có được hạnh phúc nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được một nửa thực sự. Nhiều khi họ chờ đợi và tuyệt vọng trong chính mối tình ấy. “Ngày nào ta gặp được một người khiến tâm can trở nên hỗn loạn, chắc chắn đó sẽ là một ngày đẹp trời”.

'Cuoc hen noi cong thien duong': Nhung goc khuat cua gioi tre hinh anh 2
Dường như, có những kết nối đã đứt, thì không cách gì nối lại được.

Khi gấp lại gần 200 trang sách, chắc hẳn bạn đọc sẽ day dứt, nhớ mãi hình ảnh cô gái một mình đi du lịch để trốn chạy nỗi cô đơn hay một cô gái khác lặng lẽ sinh con trong vườn ổi ngát hương.

Hay hình ảnh bé Mây mãi quẩn quanh nơi cổng thiên đường chờ đợi một người đàn ông vì lời hẹn ước ngày xưa hay một anh chàng kiên nhẫn vá từng mảnh bất an trong trái tim người con gái mình yêu làm trái tim ta ngân lên những cảm xúc ngọt ngào. Và sau cùng, đó vẫn là sự nuối tiếc vì hạnh phúc của nhân vậy chưa thực sự vẹn tròn.

Với cách khai tác đề tài về tình yêu khá đặc biệt nên Cuộc hẹn nơi cổng thiên đường đã mang đến cho độc giả nhiều góc nhìn mới.

Không tập trung xây dựng cốt truyện như các tác phẩm khác, trong truyện ngắn này tác giả Hòa Bình đi sâu vào nội tâm của nhân vật. Chờ đợi, hy vọng, yêu thương, tuyệt vọng, đau khổ - là thứ sẽ ở lại với người đọc chứ không phải là chuyện nhân vật này có thể hạnh phúc với nhân vật kia hay không.

Thông qua cuốn sách này, tác giả muốn bạn đọc hãy trân trọng tất cả cảm xúc dù là tiêu cực hay tích cực bởi chúng làm con người trở nên "người" hơn. “Trong một gương mặt có một gương mặt khác, dưới một sự thật có một sự thật khác. Cuộc sống là vô cùng”.

Tuy nhiên, khi đọc truyện ngắn này bạn cần tập trung cao độ bởi cuốn sách không hề dễ đọc, những câu chuyện có bắt đầu nhưng không hồi kết. Các nhân vật rơi vào mơ hồ, vô định kéo theo người đọc vào mê cung nội tâm đó và khó có thể tìm thấy lối ra.


(*) Xem thêm