Đi và đến - Truyện ngắn của Hoà Bình

Tác giả Hoà Bình Tác giả Hoà Bình ở chiến khu D 

 

Không biết vào An Khê lần này, chúng tôi có gặp lại Việt không? Khi chia tay nhau mười lăm năm trước, không có điện thoại, blog và facebook như bây giờ, cho nên khoảng cách 1000 kilomet thực sự  là đáng kể.

Chẳng còn lại chút dấu vết nào của Việt trong cuộc sống thường nhật hiện tại của tôi, thế mà vẫn không thể nào quên được hình dáng gầy gò, lòng khòng của cậu ấy, đôi mắt nhỏ, ánh nhìn khiêm tốn nhưng cương quyết, ẩn chứa ánh sáng rực lên lạ lùng khi Việt quay lại, chìa bàn tay có những ngón dài, chắc như sợi dây neo cho tôi bám để leo ngược lên đỉnh 384.

Khoảnh khắc đó, mồ hôi ở tay tôi rịn ra ướt rượt. Chùm cây dại mà tôi níu lấy đã đứt lìa cả rễ, lăn lông lốc xuống vực, tôi chóng mặt vì trót liếc xuống dưới,   tim đập thình thịch tưởng vỡ tung lồng ngực khi áp suất không khí cứ mỗi lúc một giảm.

Vượt qua Tây Sơn, Bình Định, chúng tôi xuống xe giữa đỉnh đèo An Khê lộng gió. Mấy người bán hàng nhận trông chiếc xe Toyota cà tàng tươi cười hỏi chúng tôi xuống bản phải không, liệu có cần mua thêm đồ ăn, nước uống, nếu không dùng thì tặng lại cho bà con trong đó. Họ nghĩ chúng tôi cũng như nhiều du khách khác, muốn thưởng thức vẻ hoang sơ hầu như còn nguyên vẹn của vùng đất dày đặc di tích và danh thắng này. Thay giầy leo núi, quấn xà cạp vào chân, cả đoàn nhanh chóng tiến xuống chân núi phía Nam đường 19, lội bộ hơn chục cây số đường núi, qua vài bản của người BaNa, mất nửa ngày tròn thì lên đến điểm cao 384.

Tháng bẩy, không khí thật thanh bình, nhẹ nhõm, khắp nơi ngăn ngắt màu xanh của lá me rừng, ngay cả những hố bom cũ cũng đã phủ đầy cỏ non mướt mượt.

Bình Minh, mười ba tuổi, con trai tôi, níu tay Quyết Tiến, hai mươi tuổi, con anh Thắng, bâng khuâng:

“Chỗ này trước kia là trận địa thật sao?”

Có thật không? Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi bom rơi đạn nổ, người đã quên, đất đai không còn nhớ nữa. Liệu cha đã quên được chưa cuộc chiến?

“Ông các con hy sinh nơi này. Có thể còn nhiều đồng đội của ông vẫn nằm lại ở đây. Chúng ta cùng tưởng nhớ trận chiến năm xưa và những người đã hy sinh nhé”

Anh Thắng bày chiếc bàn gấp mang theo, xếp đồ lễ, vàng hương, hoa quả, thành kính đốt cả chục thẻ hương, chia cho mỗi người một nắm. Chúng tôi cắm hương khắp nơi xung quanh điểm cao, như mỗi lần viếng nghĩa trang Trường Sơn hay nghĩa trang Đường 9 Nam Lào, mặc dù nơi đây không có lấy một tấm bia.

Bỗng nhiên, trời nổi gió từng cơn quay quắt, mây đen vần vũ, mưa lộp bộp rồi ào ạt rơi những hạt to tướng nặng trĩu. Nước mắt tôi lăn theo mưa. Những nén hương cháy đỏ rực lên trong màu xám vây phủ tràn trề. Mưa làm chúng tôi ấm lòng nhưng cảm giác tê tái buôn buốt như kim châm thì cứ xoáy mãi vào những vùng da thịt...

Đã hai lần, anh Thắng khăn gói vào tìm cha mà không thấy. Vẫn điểm cao được hướng dẫn này, nhưng đào mãi không có tung tích của Người. Lần thứ ba, tôi xin đi theo anh. Hai anh em vòng sang Bắc Giang đón chú Minh, đồng đội cũ của cha đi cùng – người thương binh nặng 1/4 chỉ còn một chân, với 20 % sức khỏe giữ lại cho mình cùng bao nhiêu thương tật trên người, còn 80 % và cả tuổi xuân để lại chiến trường.

Vào đến huyện Tây Sơn, ba người chúng tôi ở nhờ nhà anh Thành chủ tịch xã Vĩnh An. Lần đó, chính anh Thành đã báo tin cho anh Thắng về dấu vết mới mà rất có thể là nơi cha nằm.

Bữa chiều đơn sơ trôi qua nhanh. Trời sập tối. Chúng tôi ngồi quây quần quanh đống lửa lớn anh Thành đốt lên ngoài sân. Khi đó, anh mời tới ba người thanh niên trẻ khỏe để sáng hôm sau vào núi cùng chúng tôi, trong đó có Việt – người đã tìm thấy dấu tích của cha.

Chị An vợ anh Thành đổ một rổ khoai lớn vào nướng trong đám than nóng rẫy, lễ mễ bưng ra bộ giành tích thơm sực mùi chè xanh, còn têm một đĩa trầu mời mọi người. Mấy người đàn ông bản địa đều biết ăn trầu. Anh Thắng thử một miếng, tôi cũng đánh liều bỏ vào miệng. Chẳng hiểu tại đống lửa rừng rực hay tại trầu say vôi nóng mà má tôi đỏ ửng.

Xuyên qua ánh lửa chập chờn, tôi nhìn Việt chăm chắm, lơ mơ hình dung ra lúc mũi thuổng của cậu chạm kịch một cái vào hài cốt cha tôi. Liệu lần này chúng tôi có tìm thấy cha thật không?

  • Việt tin là hài cốt thật chứ?
  • Tin. À không. Không biết đâu, tại thấy có một mảnh xương nên mình không dám đào lên nữa mà đánh dấu chỗ đó rồi về báo anh Thành thôi.
  • Thế tại sao Việt cứ trở đi trở lại điểm cao đó? Việt đã đi cùng anh Thắng mấy lần rồi, có dấu vết gì đâu?
  • Không biết, nhưng mình vẫn tin là sẽ thấy. Bác ấy nằm đó chứ đi đâu được nào? Cho dù có phải vào núi mười lần nữa mình cũng đi. Phải tìm bằng được. Để bác nằm đó lạnh lắm.

Việt lúng túng trả lời các câu hỏi, không một lần ngẩng lên nhìn thẳng vào tôi.

Mẹ, cả thời con gái cắm mặt vào đuôi trâu, tay rắc phân, chân lội bùn, rét căm căm cũng như nắng đổ lửa. Những hạt lúa vàng gánh về oằn cong thanh tre đực trên đôi vai gầy gò, hậu sản. Đẻ đứa nào cũng chỉ mươi ngày là ra ruộng. Quần quật từ tinh mơ tới mờ đất, tối về kéo con lăn trục lúa đến tận nửa đêm. Rồi chăn vịt, dắt trâu cho hợp tác kiếm thêm công điểm. Giờ, muốn chữa cho mẹ khỏi chứng tê thấp, đau nhức sống lưng, thì bác sĩ bảo: “Mãn tính rồi. Bệnh người già! Với lại hơn chín mươi phần trăm dân số nước ta có cùng bệnh như thế.”

Chiếc khăn trùm đầu của mẹ ố vàng vì bao năm muối mặn mồ hôi. Bụi tro tung toé, khói rạ cay xè gian bếp lòng thòng những sợi bồ hóng. Mỗi khi tôi vào bếp, mẹ lại lật đật chạy đi lấy chiếc khăn mặt cũ trùm lên tóc tôi, hoặc vội vã gỡ chiếc nón lá, đội lên cho tôi, xót xa bảo: “Bẩn hết đấy con ạ”. Bàn tay nhăn nheo, gân guốc kéo góc khăn, chấm lên khoé mắt ướt đẫm. Khói rạ cay xè, nhoè nhoẹt ẩn hiện. Hay là nước mắt người vô định trào dâng.

Mùa hè năm 13 tuổi, tôi bất ngờ nhận ra vẻ là lạ của cái bớt màu chàm phớt một vệt xanh mờ hình dấu chấm cảm trên lưng anh Thắng. Tôi băn khoăn hỏi đó là cái gì. Mẹ nhìn tôi, mắt đột ngột mờ đi. Những giọt run rẩy theo nhau trào ra trên đôi khoé mi nhăn nheo trước tuổi.

Năm lần đẻ mà chỉ có hai đứa con. Ba lần đầu, lần nào cũng chỉ sau ba tháng là mẹ lại phải khóc hết nước mắt, kêu cầu, than vãn, hương khói, song đứa trẻ vẫn bỏ đi, sau những trận sốt hừng hực và những cơn co giật rút hết sinh lực. Nhà chỉ có mẹ và bà nội. Giữa cơn khủng  hoảng tâm sinh lý của hai người phụ nữ cô độc với làng quê vắng vẻ trong cuộc chiến, bà nội chỉ biết cúi lạy trời đất, cầu khấn  xin cho các cháu được làm người, rồi quẹt đít nồi, đánh dấu một vệt dài trên lưng đứa trẻ.

Mẹ khóc mãi, cào nát mấy chiếc chiếu, sữa chảy dầm dề, hoen đầy áo. Bà thương quá, vào làng xin chị Như về làm con nuôi mẹ tôi.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, cha được về thăm nhà một tuần, rồi quay vào chiến trường, mùa xuân 1969 mẹ sinh anh, đặt tên là Chiến Thắng. Bà nội đã mất, nhưng cái vệt đánh dấu trên lưng anh thì còn nguyên cho đến tận bây giờ.

Anh Thắng kể lần duy nhất được gặp cha, anh tròn ba tuổi. Cha về thăm nhà rất vội trước khi trở lại với những trận chiến cam go 1972. Và cái ánh nhìn đau đáu, tràn trề yêu thương của cha từ câu chuyện anh kể đã theo tôi, day dứt, ám ảnh không rời.  

Tôi không thể hình dung lúc Người phải chĩa thẳng khẩu súng nhằm vào kẻ thù. Dẫu sao, tôi vẫn nghĩ Người rất nhân từ. Bức ảnh thờ của  Người rất đẹp, một quân nhân có đôi mắt sáng, vầng trán cao, rộng, hy sinh ở phía nam đường 19 năm 1972, đúng vào năm mẹ sinh tôi.

Theo nguyện vọng của cha, mẹ đặt tên tôi là Hòa Bình, dù tôi là trai hay gái.

Chị Như mười bẩy tuổi đã lấy chồng. Vóc người chị nhỏ nhắn, tần tảo, là con nuôi nhưng lại có nhiều nét hao hao giống mẹ tôi. Ai cũng nghĩ chính mẹ tôi đã sinh chị. Công việc đồng áng làm chị biến đổi như bị phù phép. Bây giờ, chị thành một bà già, già gần bằng mẹ tôi, với làn da nhăn nheo, đôi mắt đầy những vết chân chim và mái tóc điểm những sợi bạc. Mỗi khi hai người ngồi bên nhau, tôi cứ thử tưởng tượng cái ngày xa xưa, bà già tóc điểm bạc kia còn ẵm ngửa trong lòng mẹ tôi. Và tôi thấy điều đó thật phi lý.

Mẹ và chị đã ở lại làng quê, còn anh Thắng và tôi về nơi thành thị. Cuộc sống của chúng tôi cách biệt quá xa với mẹ. Tôi học đại học, anh Thắng tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở Nga về, không chọn được môi trường khoa học nào, đành đi làm công chức. Hai anh em vẫn bảo nhau, chưa bao giờ, chúng tôi mang được gì to tát về cho mẹ ở rất xa, đơn độc, ngóng đợi. Cuối cùng thì người gần mẹ nhất lại là chị Như.

Ba lần đi lại quãng đường tổng cộng chín ngàn kilomet, chỉ cần nhận được tin báo về là sốt sắng lên đường, cho dù mong manh, hoặc đoán biết trước thất bại, tôi chưa thấy một chút xíu nao lòng nào từ anh Thắng. “Cố bao nhiêu anh cũng ráng hết sức, miễn là tìm thấy cha. Với lại, biết đâu, chỉ cần cố thêm vài ba milimet...” – anh Thắng bảo tôi vậy. Và cuối cùng, chúng tôi đã thật sự chạm vào Người, lẫn trong sỏi đá và đất đỏ.

Đầu cha nằm nghiêng, mặt quay vào lòng núi, nơi trước kia là con hào cũ. Chú Minh quỳ sập xuống trên chiếc chân còn lại, khóc rưng rức, sờ lần nâng dậy những mảnh xương khô của người đồng đội mà chính tay chú chôn cất, đã nằm đó mấy chục năm trong đất đỏ.

Việt ngồi sững như một bức tượng cô độc trên đỉnh cao.

Tôi nặng nề lau từng chút đất dính trên những mảnh xương Người, cùng anh Thắng đặt Người vào chiếc hòm nhỏ lót rơm khô, thì thầm xin lỗi đất đai nơi đây đã bao bọc Người chừng ấy năm, để hai anh em tôi đưa Người về hưởng bình yên trong chi tộc họ Nguyễn.

Đầu óc tôi quay cuồng. Đâu đó vẫn ầm ì tiếng súng. “Tại 384, tám đồng chí đã hy sinh. Mệt mỏi, kiệt sức, đối đầu với một tiểu đoàn Nam Triều Tiên tinh nhuệ, có cả không quân và pháo binh hạng nặng phối hợp, hỗ trợ; chúng tôi vẫn kiên quyết chiến đấu tới cùng. Đường tiếp viện đã bị cắt từ một tuần trước, không lương ăn, không nước uống, ngay cả nước tiểu cũng phải thật dành dụm chia sẻ cho nhau từng giọt cầm hơi.

Trận đánh hôm đó, đạn địch nổ rát rạt bên tai. Chỉ còn lại ba tay súng. Đồng chí Liễu đã bị thương vào đùi, không thể di chuyển được nữa nhưng vẫn cố gắng cầm cự tại một điểm trên chốt. Chỉ đến khi bị một viên đạn trúng vào gáy, đi theo hình xoáy trôn ốc, cắt vỡ trán, đồng chí mới ngã xuống hy sinh anh dũng!”

Tôi thảng thốt nhìn đồng hồ nhưng không nhìn rõ số. Nhoè nhoẹt, mờ mịt khói lửa bủa vây. Bình Minh và Quyết Tiến hỏi gì không rõ. “Nơi này trước kia là trận địa thật sao?”

Khét lẹt mùi thuốc súng ngay trước mũi, gió đã thổi ba mươi nhăm năm vẫn không tan hết. Giờ này, về lại quê hương, yên ổn trong chi tộc họ Nguyễn, liệu cha đã quên được chưa cuộc chiến?

Hay mọi thứ vẫn còn nguyên đó? Như bài viết kể về kỷ niệm chiến đấu của chú Minh, sự kiên trì cặm cụi đào bới hết lần này đến lần khác của Việt, cùng niềm tin cho dù bé bằng vài milimet của anh Thắng.

Trong cái vòng tròn hộp sọ nâu sẫm hiền lành màu đất hiện lên gương mặt rất nhân từ tôi hằng ao ước, với ánh nhìn đau đáu, chan chứa yêu thương.

Chú Minh - người đồng đội già năm xưa của cha - giờ cũng không còn nữa. Chuyến thăm lại chiến trường lần này của chúng tôi không có chú, mắm môi cà nhắc leo ngược lên đỉnh núi bằng cái chân cụt tì lên chiếc nạng gỗ; không có Việt - cậu trai thất học, mất cả cha lẫn mẹ trong cuộc chiến, sống một mình bằng nghề nguy hiểm - tìm kiếm phế liệu đạn bom còn nằm lẫn trong đá núi.

Khi chia tay, Việt xuống tận ga Diêu Trì tiễn tôi và anh Thắng. Trong tiếng còi tàu rung rúc âm u lúc nửa đêm, tôi thấy Việt rời bàn tay anh Thắng, vẫy chào tôi, rồi đăm đắm nhìn theo mãi, còn tôi chẳng dám ngước lên nhìn lại một lần.

Chỉ đến khi con tàu đã rùng rùng trôi đi rất xa, tôi mới ngó theo vệt ánh mắt kéo dài sâm sẫm như vệt café đặc sánh quết lướt thướt trên sân ga.

Anh Thành không còn đương chức ở xã Vĩnh An mà đã chuyển đi nơi khác. Chúng tôi lơ ngơ hỏi thăm nhưng không ai nhớ Việt. Mãi mới có một thông tin mơ hồ, hình như cậu ấy đã ra Quy Nhơn từ lâu lắm rồi.

Bên mộ Hàn Mặc Tử, dưới thềm rêu phong, bụi quỳnh dao vươn cao, xanh mướt một sức sống mãnh liệt giữa những dấu vết hoang vắng, điêu tàn. Gió biển lồng lộng, ngả nghiêng khu rừng bạch đàn mênh mang. Trong buổi chiều tà cô quạnh, những nén hương chúng tôi thắp lên khi tới viếng thi sĩ nhanh chóng đỏ lừ, rướn mình vội vã, cong lại, rực lên như khát cháy từng giọt thời gian.

Đâu đó thấp thoáng vang vọng ngân nga tiếng gọi rừng núi, hay tiếng gió xạc xào những vần thơ điên. Người ta kể, nếu cố tình ở lại đó trong đêm trăng, dẫu là người tỉnh táo đến mấy cũng phát hoảng vì nhận ra những tiếng động náo loạn, cấp tập của linh hồn thao thiết kêu đòi cuộc sống.

 

 

Trong chút ánh ngày cuối cùng còn sót lại, chúng tôi lần lượt chui lên chiếc Toyota cà tàng do anh Thắng cầm lái, rời khỏi khu rừng bạch đàn, đi tìm chỗ trọ. Thành phố Quy Nhơn xinh xắn hiện ra với bãi biển mênh mông, sóng hiền từ liếm nhẹ vào bờ cát trắng mịn.

Trong ánh trời sẫm tối, ánh đèn pha giao nhau loang loáng. Vượt qua 9000 kilomet, tôi biết rằng trên con đường mà chúng tôi đã đi, có vô số người anh trai được đặt tên là Chiến Thắng, vô số người em gái cùng tên Hòa Bình như tôi. Bỗng thấy nhớ họ - những người mà tôi biết, dù không thân, và cũng mới đi xa chưa lâu. Một cô Hòa Bình làm thiết kế web, cô khác là phóng viên báo Tuổi trẻ, và có cô nữa là bác sĩ.

Thời gian trải rộng trước mắt như một con đường mênh mông không có điểm tận cùng. Còn nhiều ngày nữa để đi trên con đường ấy nhưng cần phải có kế hoạch cho mỗi ngày mới.

Sáng mai, chúng tôi sẽ đi tìm anh Thành, và cố gắng tìm lại Việt, dẫu chỉ để nói lời cảm ơn thêm một lần nữa./.

Hoà Bình

(Trích trong tập “Cocktail, café, kem & Mặt trời, NXB Trẻ ấn hành, 2015)


(*) Xem thêm