Bức tử hiện tại
Bức tử hiện tại - Truyện ngắn của Hoà Bình
Tác giả Hoà Bình
Nỗi buồn là di sản của quá khứ. Cầm từng nghe ai nói thế, thật ra cô không hiểu lắm câu này, chỉ thấy nó đúng một cách cay đắng.
Và trên suốt hành trình, chưa khi nào Cầm cảm thấy cái di sản đến từ quá khứ ấy thôi dai dẳng, ám ảnh đeo đuổi cô, sáp tới gần, cà nhẹ cái vầng trán ám mùi nhựa thông vào trán cô, giang rộng vòng tay chứa đầy bóng tối của lá, và thoát ra những tiếng thở dài vi vút giữa hoang vu, bao bọc, chở che, dịu dàng, ôm ấp cô.
Thỉnh thoảng, cảm nhận rõ rệt nhất và chua xót nhất về thân phận là những lúc Cầm khoác áo đen, đi dự đám tang của một người bạn mới mất, trẻ như cô và đầy sức sống như cô, còn dang dở những kế hoạch chưa xong, những hẹn hò chưa đến. Đứng trước những gương mặt được trang điểm lần cuối bởi người chăm sóc xác chết, những đôi môi được tô đỏ lần cuối, những gò má được đánh phấn nâu lần cuối, Cầm luôn chìm xuống tận đáy của hiện tại, không thể phản ứng gì với tất cả mọi thứ ồn ào náo loạn trôi qua bên ngoài bản thân.
Cầm biết, tất cả đều là những loài thụ tạo được đặt để chênh vênh trên sợi dây mỏng mảnh thời gian. Như một sợi vĩ được nhổ từ lông đuôi con ngựa có cái mông to lớn vồng lên đầy sức sống, có bắp chân khỏe mạnh sẵn sàng phi nước đại từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác. Sợi vĩ được người thợ tài tình tẩy trắng sạch sẽ và gắn lên chiếc asez của cây vĩ cầm, vừa đủ lực căng để cọ xát với dây đàn, vừa đủ độ chùng để mềm mại nuốt lấy và nhả ra những âm thanh vô thường. Thời gian qua đi, kéo theo trên cây vĩ cầm những âm thanh của thay đổi và của tất cả những gì bị nó chi phối.
“Em đang ở đâu? Tại sao không chịu nghe điện thoại của anh? Tại sao em chuyển nhà, chuyển cơ quan? Không mở email? Không trả lời tin nhắn? Facebook cũng không còn cập nhật?... Cầm ơi, anh xin em…”
Những tin nhắn cứ lướt qua như bóng của hiện tại, Cầm biết nhưng không đọc, không hồi âm. Thứ mà cô nhớ nhất, chính là xúc cảm rừng rực lúc giang thẳng cánh tát vào mặt anh. Mái tóc anh bay lên, tung toé theo gió, và theo lực đẩy của cái tát. Hình ảnh những ngón tay nhỏ xíu hằn lên trên má phải của anh đã in đậm vào trí nhớ của Cầm, nhiều đêm liền, nó cứ trở đi trở lại, những ngón tay bé bỏng đỏ hỏn lại gần, đánh thức Cầm lúc hai giờ sáng khiến cô không tài nào ngủ lại. Kỳ lạ là bao giờ cũng đúng hai giờ sáng. Và sau khi Cầm trằn trọc ôm gối lăn lộn đến cả hai chục vòng, thì những ngón tay nhỏ xíu đỏ hỏn ấy lại vuốt ve, vỗ về Cầm. Bàn tay bé nhỏ ấn vào mi mắt cô nặng trĩu.
“Em đã nói, còn giận dữ, tức là em còn yêu anh! Khi nào hết yêu, em sẽ không giận nữa… Trả lời anh đi. Xin em đấy. Có khi nào em biết rằng điều hối hận nhất anh chưa kịp nói với em rằng anh là thằng đốn mạt? Nhưng điều khốn nạn nhất, chính là cho dù bất kể điều gì đã xảy ra và sẽ xảy ra, anh vẫn yêu em. Và cho dù em có trốn ở tận cùng thế giới, bất cứ nơi nào, anh sẽ vẫn tìm ra em…”
Anh vốn là một kẻ bất chấp, ngoan cố. Có lần, trong cơn tuyệt vọng, ám ảnh vì những dằng xé, cào cấu điên loạn của hiện tại, Cầm khoá cửa, đóng gói đồ đạc, lên tàu ngược về núi. Không một lời tạm biệt, không một dòng thư, không một tin tức để lại cho bất cứ ai. Thế nhưng, sau hai đêm cô quạnh trên núi, sáng ngày thứ ba, Cầm tỉnh giấc mở cửa, thấy anh ngồi chờ ngoài thềm, tóc đầy sương ướt nhẹp. Cầm ghét anh vì anh bất chấp, nhưng Cầm cũng yêu anh chính vì anh ngoan cố. Lúc anh lao tới ôm chặt Cầm trong vòng tay cứng như thép, Cầm ngửi thấy mùi dầu và nhựa thông hăng hắc vương trên vai áo anh.
Đó là một bản nhạc khiến cho người nghe bị dìm đến sặc sụa trong sự dữ dội, giống như khi rơi thẳng xuống một xoáy nước sâu hút và không có cách gì bơi lên nổi, cho dù đó là những thanh âm mềm mại phát ra từ sự va chạm, cọ xát đầy thiền tính của những chiếc lông đuôi ngựa đã được chế tác bởi nghệ nhân bậc thầy với bốn sợi dây đàn bằng thép mỗi sợi cách nhau một quãng năm.
Khi mới quen, anh mang cho Cầm đĩa nhạc đó, nhưng không đủ “Bốn mùa”, anh chỉ tìm được ba mùa xuân, hạ, thu, thiếu mất mùa đông. Anh tới trên chiếc xe đạp cà tàng. Cầm nhớ cách anh dựng xe vào hàng rào, vai anh nghiêng nghiêng về bên phải, cái bên má mà có lần Cầm giang thẳng cánh tát rất mạnh, mãi sau này, Cầm vẫn thấy thấp thoáng dấu những ngón tay nhỏ xíu hằn lên đỏ hỏn.
Những đêm đông lạnh buốt, trong căn phòng bé xíu ngập đầy âm sắc của cây đàn “nữ hoàng”, khi mềm mại, thanh tao cao vút, khi da diết những nốt trung trầm ấm áp, Cầm cắm cúi nghiền ngẫm mấy cuốn sách, anh thường ngồi cạnh nắm tay Cầm, hơi nóng từ anh truyền sang bàn tay bé xíu, trắng muốt với những ngón tay hồng hồng như được đắp bằng sứ.
Trên những hành trình ngược nhau về các hướng, Cầm vẫn lưu lại những phấp phỏng âu lo, dài đằng đẵng, mòn mỏi đón đợi những con tem, tay Cầm run run xé bao thư nhấc những tờ thư vàng úa, chữ viết tay, có khi chỉ một dòng duy nhất: “Nhớ em!”
Có cảm giác như ở bên nhau bao nhiêu lâu cũng là không đủ. Đọc sách, nghe nhạc, xem phim, ăn, ngủ, làm tình, dường như anh muốn chiếm Cầm làm của riêng. “Em mà đi với ai, anh sẽ giết người đó”. Cũng làm tình như cả tỉ con người trên đời vẫn lao vào nhau thèm khát, nhưng sự thoả mãn của anh với Cầm luôn là cơn đói vẫn tiếp tục day dứt, dằn vặt hai kẻ bị cầm tù cả triệu năm trong xác thân hữu hạn. Cầm và anh tìm thấy nhau, thoả mãn cùng nhau, giải phóng trong nhau nhưng không phải đã thôi giam hãm chính mình.
Cầm từng ước ao nếu đừng bao giờ có phút chia xa. Cầm ước những hôm mở mắt đón bình minh ùa vào bên cửa, sẽ thấy anh ngồi cạnh giường, nắm nhẹ tay, hỏi em ngủ có ngon không, đêm có mơ gì không? Cầm sẽ nói em đang mơ thấy anh ngồi đúng chỗ đó, hỏi em câu đó.
Tác giả Hoà Bình
Mỗi ngày, Cầm đều làm lễ tự nguyện yêu thương. Nhưng lời nguyện thả lên trời, theo gió bay đi. Đôi tay Cầm bé nhỏ quá, lời của Cầm bé nhỏ quá. Xung quanh anh và Cầm quay cuồng muôn ngàn những hành tinh nhỏ, chính Cầm và anh cũng tự xoay tròn và quay vùn vụt mỗi ngày với tốc độ tên lửa của hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỉ thứ trôi quá nhanh trong quỹ đạo cuộc sống. Cầm biết hành trình chẳng bao giờ dừng hoặc quay ngược chiều trở lại.
Anh đi nhiều, vắng xa nhiều, nhưng cũng có lúc hành trình của anh và Cầm song hành, nói cho đúng hơn là anh mang Cầm đi theo trong các chuyến công tác. Mùa đông ở Anh khiến Cầm không thở nổi vì lạnh. Mùa hạ ở Ý khiến Cầm rã rời đôi chân trên những con phố gập ghềnh cổ kính. Mùa thu Hàn Quốc đẹp mê hồn trong rừng lá vàng, lá đỏ rũ vào những con phố.
Cầm nhớ một buổi hoà nhạc ở Tokyo, hôm đó Cầm được nghe bản nhạc mà anh còn thiếu, Concerto số 4 “Winter” trong tổ khúc “Four Season” của nhà soạn nhạc thiên tài Vivaldi. Tiếng vĩ cầm đột nhiên trở thành tiếng người, tiếng gió, và tiếng sóng đổ ập xuống đời Cầm. Nữ nghệ sĩ xinh đẹp trong chiếc áo đầm màu đỏ sáng rực giữa biển âm thanh tràn ngập trên sân khấu, bùng lên trên mái vòm lộng lẫy và đập dữ dội xuống tất cả các hàng ghế khán giả. Bỗng nhiên Cầm thấy lại hình ảnh tay violon đau khổ và ban nhạc Hartley đang tiếp tục chơi những giai điệu dữ dội như cắt vào lòng người nghe trên boong tàu Titanic, trước giờ chót của thảm họa, trong khi những hành khách xung quanh la hét và rơi như mưa xuống chết đuối trong mênh mông nước lạnh.
Di sản quá khứ buồn nhưng luôn đẹp, y như một cây đàn quý hiếm chỉ còn tìm thấy trong tủ kính, có thể không còn vang lên được những giai điệu xưa cũ, nằm lặng yên đằng đẵng dưới lớp bụi bặm miên trường, nhưng Cầm vẫn luôn nghe thấy bản nhạc ngọt ngào trên những sợi tơ. Còn hiện tại, thật đau lòng, luôn là cay đắng, mà đôi khi, chỉ ở những nơi bất ngờ nhất, và chẳng vì bất cứ một lý do lớn lao hay nguyên nhân quan trọng nào, con người sẽ nhận diện chính mình rõ nhất. Hiện tại giống như một con dao nhọn, một cây rìu bén, hay một cánh cung đã kéo căng, luôn có sức mạnh phi thường giết chết người ta, hoặc ít nhất cũng bắn nát trái tim.
Cầm đi chùa thường xuyên, Cầm nhớ Đức Phật dạy rằng: “Điều tệ hại nhất là đánh mất chính mình!” Nhưng ở hiện tại của Cầm, cô không thể xác định được đâu là mình. Nếu nỗi đau thường, Cầm có thể mang kể với bạn bè, với người thân, hoặc thậm chí với một người lạ, trong một bối cảnh gặp nhau hợp lý. Và nỗi đau sẽ qua. Nhưng nếu dao nhọn đã đâm xuyên, chiếc rìu đã hạ thủ, mũi tên đã vụt khỏi cánh cung, thì Cầm đâu còn sống để kể về nỗi đau của mình.
Trong lúc đối diện với gương mặt của chính mình được tô vẽ như tượng sáp bởi người trang điểm xác chết, ngắm đôi má được đắp phấn nâu lần cuối, đôi môi được tô son đỏ chót lần cuối, Cầm nghe thấy bản nhạc dữ dội mà anh đã mang đến. Cầm nhớ cái cách anh dựng chiếc xe đạp ngoài hàng rào. Cầm nhớ anh thường hay nghiêng nghiêng, lệch về bên vai phải. Cầm nhớ vị trí chỗ những ngón tay nhỏ xíu hằn lên trên má phải của anh. Cầm nhớ vòng ôm chặt cứng như những sợi dây thép cột chặt đời Cầm, trên vai anh hăng hắc mùi dầu và nhựa thông.
Nhưng, anh trong quá khứ không phải anh của hiện tại. Nên lần này, không dễ để anh có thể tìm thấy Cầm giữa chốn thực sự là tận cùng thế giới. Bởi vì chiếc điện thoại đắt tiền có định vị mà anh mua, Cầm đã để lại sang tên trong một cửa hàng, chọn mang theo một chiếc máy rẻ tiền, khó mà tìm ra nơi sản xuất và xuất xứ của nó. Cho nên dù Cầm không vứt điện thoại, huỷ sim, thì cũng chỉ khi nào có án hình sự, anh mới được hỗ trợ để tìm kiếm. Anh không thể trả tiền để các cơ quan tổ chức hay cá nhân đi tìm kiếm một người mà anh thương yêu, cho dù anh có thể trả rất nhiều tiền nhưng chuyện đó quá nực cười. Mà Cầm nhất định sẽ không để xảy ra một vụ tự tử nào, một án mạng nào, thậm chí một sự cố nhỏ nào gây sự chú ý, để anh có thể lần ra manh mối. Cầm chỉ đơn giản là biến mất khỏi hiện tại của anh.
Thực ra, chính Cầm còn chẳng biết mình đang ở đâu, cô đã xoá mọi dấu vết của hiện tại, ngay khi cô có thể ý thức về tất cả mọi thứ thì nó đã trở thành quá khứ và cái tương lai phía trước mà cô chưa thể nghĩ tới, chưa hình dung ra đã trở thành hiện tại. Cầm mắc kẹt giữa sự dịu dàng đã trở thành di sản và sự bức tử hiện tại của tương lai, vô vọng, không lối thoát.
2016
(Trích từ tập “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”, NXB Phụ Nữ và Phương Nam Book ấn hành, 2017)
Bức tử hiện tại - truyện ngắn của Hoà Bình
Xem thêm